Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ với mỗi thầy cô giáo, các em học sinh trường Tiểu học Ái Mộ A, bác Luận chính là một phần đặc biệt không thể thiếu trong quỹ thời gian công tác, giảng dạy, học tập tại ngôi trường này. Tuy không trực tiếp giảng dạy và cũng không đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức tới các em học sinh nhưng bác Luận cùng với tổ bảo vệ luôn nhận được sự yêu mến, kính trọng của các em học sinh, nhận được sự yêu quý của mỗi cán bộ - giáo viên nhà trường. Bởi chính các bác là những người đảm nhận trách nhiệm giữ gìn sự yên bình cho mỗi giờ học, giờ chơi, cho sự an toàn trong trường học.
Mái tóc pha màu sương, dáng người dong dỏng ấy luôn khắc sâu trong tâm trí của tôi. Bác Luận sinh năm 1956, tuổi đã ngoài sáu mươi. Bác sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình – mảnh đất với những con người cần cù, chăm chỉ, chịu khó. Bác Luận có 4 năm tham gia quân ngũ, 23 năm làm công nhân tại Nhà máy Diêm gỗ Cầu Đuống và nhà máy Xe lửa Gia Lâm với nhiều vị trí công việc khác nhau. Đến tháng 6/2006, bác về nghỉ hưu theo chế độ và bắt đầu làm bảo vệ tại trường Tiểu học Ái Mộ. Với hơn 16 năm công tác tại trường; năm 2015, sau khi chia tách, bác đã gắn bó với Tiểu học Ái Mộ A từ đó và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao và sự tận tâm với nghề.
Tôi còn nhớ như in lần đầu đến với ngôi trường Tiểu học Ái Mộ. Người đầu tiên tôi gặp là bác. Với nụ cười thân thiện luôn nở trên môi, bác đã giúp tôi cảm thấy rõ rằng mình được chào đón, mình là thành viên của ngôi trường mới này. “Vạn sự khởi đầu nan”, ấn tượng ấm áp của ngày đầu ấy tôi luôn ghi trong lòng và tôi cũng luôn nhắc nhở mình hãy mang tặng nụ cười chân thành cho tất cả mọi người như bác. Rất tự nhiên, tôi thấy yêu và gắn bó với trường, với lớp.
Mỗi buổi sáng đến trường làm việc, tôi và các thầy cô giáo như có thêm động lực khi thấy khuôn mặt hiền hậu, nụ cười ấm áp và dễ gần của bác Luận. Rồi tôi càng ấn tượng hơn nữa khi trực tiếp thấy bác làm việc. Công việc của bác và tổ bảo vệ tại trường tuy không nặng nhọc, vất vả nhưng đòi hỏi sự cẩn thận, siêng năng và chăm chỉ. Với độ tuổi của bác sự linh hoạt, dẻo dai không còn được như thanh niên nhưng sự tận tâm, trách nhiệm với công việc thì bác là một tấm gương để lớp trẻ chúng tôi học tập.
Một ngày làm việc của bác bắt đầu từ năm rưỡi sáng. Bác đi mở cửa các phòng học, quét dọn lá cây trên sân trường. Khi cô trò chúng tôi đến trường, bác đã đón ngay ở cổng trường vừa hướng dẫn, vừa nhắc nhở mọi người ra vào đúng quy định tránh gây ùn tắc giao thông. Rồi nghe tiếng trống của bác mà cô trò chúng tôi vào lớp truy bài, chuyển tiết học, ra chơi thư giãn... Đến chiều tối, kết thúc một ngày học, cổng trường từ từ khép lại, không khí vắng lặng và yên tĩnh dần, khi mọi người đã về hết chỉ còn lại bác với trường lớp thì bác lại đi dọc hành lang các lớp để kiểm tra xem lớp nào chưa tắt điện, khóa cửa lớp, vòi nước nhà vệ sinh nào chưa đóng…. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm cao và có sức khỏe bền bỉ. Dù trời nắng hay mưa, những đêm đông giá rét, bác vẫn âm thầm kiểm tra từng ổ khóa, từng cánh cửa, từng công tác đèn… Tối đến, trong ca trực của mình bác Luận cẩn thận cầm theo chiếc đèn pin đi kiểm tra lại từng vị trí trong trường rồi mới yên tâm kê lưng, gối đầu. Ban đêm hễ có tiếng động lạ, bất chấp mưa gió thế nào bác cũng dậy và đi kiểm tra.
Hình ảnh bác Tạ Văn Luận đánh trống báo học sinh vào lớp truy bài
Hình ảnh bác Luận đi kiểm tra, khóa cửa các phòng học vào cuối buổi học
Với đặc thù của ngành Giáo dục tiểu học có tới 90% là phụ nữ, công việc chính là giảng dạy, chăm sóc các em học sinh, đôi lúc trong công tác của chị em chúng tôi còn gặp rất nhiều khó khăn như bóng điện cháy, công tắc đèn hỏng, ghế của học sinh bị bung mặt… Như hiểu được nỗi lòng của chị em trong trường, bác Luận lại nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Bác làm việc không biết mệt vì bác quan niệm cho đi là hạnh phúc. Với kinh nghiệm lâu năm và tài bao quát, mọi việc lớn nhỏ liên quan tới an ninh, an toàn của nhà trường bác đều nắm được, khi phát hiện các chi tiết bất thường, bác đều giải quyết kịp thời. Để đảm bảo cho nhà trường về công tác phòng cháy chữa cháy và khung cảnh sư phạm trường học, bác Luận còn luôn để ý từng chi tiết nhỏ như dây điện khi chưa được cho vào ống ghen, hay bảng công tắc điện của mỗi khu vực lớp học…Đặc biệt, khu tiểu cảnh của nhà trường cũng được bác cắt tỉa gọn gàng đảm bảo an toàn, thẩm mỹ. Có bác Luận lo chu toàn mọi việc, chúng tôi yên tâm dạy và học. Không chỉ được các thầy cô giáo, các em học sinh nhà trường quý trọng mà rất nhiều bậc cha mẹ học sinh vào tận phòng bảo vệ để cảm ơn bác vì có một số học sinh cha mẹ bận đi làm về muộn chưa đón được, bác đã cho con họ gọi nhờ điện thoại, trông giúp... Lúc đó, bác Luận thật sự như một người cha, người ông tài tình giải quyết mọi việc để học sinh được an toàn.
Hình ảnh bác Luận chăm sóc khu tiểu cảnh của nhà trường
Hình ảnh bác Luận kiểm tra hệ thống điện của các thiết bị tại các lớp học
Trong cuộc chiến chống dịch Covid 19 tại trường Tiểu học Ái Mộ A, bác Luận là một trong số “những chiến sĩ” đi đầu. Giáo viên, học sinh tạm dừng đến trường, học tập online tại nhà, mọi người hạn chế ra ngoài theo khuyến cáo của Bộ Y tế, ấy vậy mà bác và các thành viên trong tổ bảo vệ vẫn cần mẫn đến trường thực hiện công việc đảm bảo an ninh trường học và cùng với đó là thực hiện khử khuẩn bằng CloraminB, vệ sinh trường lớp để phòng chống dịch bệnh một cách tích cực nhất.
Tuy đã lớn tuổi, việc học tập với bác là khó khăn, nhưng bác cùng các thành viên trong tổ bảo vệ luôn tham gia tích cực trong công tác tập huấn bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, tập huấn công nghệ thông tin để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo an ninh, an toàn trường học.
Công việc ở trường bận rộn là vậy nhưng bác Luận vẫn dành cho mình một chút thời gian sau những ca trực để tham gia công tác đoàn thể tại Hội Cựu chiến binh phường Ngọc Lâm, tham gia câu lạc bộ bóng bàn của tổ dân phố số 4 phường Ngọc Lâm - nơi bác sinh sống. Đặc biệt, bác là người tiên phong, tham mưu với Ban giám hiệu, Công đoàn nhà trường tổ chức câu lạc bộ bóng chuyền hơi và câu lạc bộ bóng bàn tại trường Tiểu học Ái Mộ A để cán bộ - giáo viên – nhân viên cùng tham gia tập luyện, rèn luyện sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng. Có nhìn thấy bác khỏe khoắn trong trang phục thể thao, cắt những đường bóng chớp nhoáng của đối thủ trong những trận bóng bàn mới thấy hết tâm thế của một người tuổi cao nhưng không hề già nua, chậm chạp. Và những lúc ấy, tôi thấy bác như trẻ lại với nụ cười bừng sáng, ánh mắt rạng rỡ, khuôn mặt rạng ngời. Và chúng tôi vẫn vui đùa tặng cho bác biệt danh “Ngài chủ tịch”. Vâng, đó là “chủ tịch” của câu lạc bộ bóng bàn trường Tiểu học Ái Mộ A.
Hình ảnh bác Tạ Văn Luận cùng các thầy cô giáo trong nhà trường tham gia
Câu lạc bộ bóng bàn sau giờ làm việc.
Câu nói “Gừng càng già càng cay” thật đúng để nói về bác Luận khi nhiều năm liền bác đều đạt giải cao trong những kì tham gia Ngày hội Thể dục thể thao do Công đoàn ngành Giáo dục Quận Long Biên tổ chức. Năm học 2016-2017, bác đã đạt giải Ba cấp Cụm môn bóng bàn đôi nam nữ; năm học 2022-2023, thật xuất sắc khi bác đạt giải Nhất cấp Cụm môn bóng bàn đơn nam độ tuổi dưới 60. Thật sự với độ tuổi của bác, những việc làm ý nghĩa, sự cống hiến của bác cho nhà trường thật đáng quý, đáng trân trọng!
Hình ảnh bác Tạ Văn Luận (mặc áo vàng bên phải) trong trận đấu chung kết
môn bóng bàn đơn nam độ tuổi dưới 60
Hình ảnh bác Tạ Văn Luận (bên phải) lên nhận cờ khen thưởng – Giải Nhất cấp Cụm
môn bóng bàn đơn nam độ tuổi dưới 60
Có lần tôi đã hỏi vui bác Luận: “Nghề bảo vệ lương không cao, nhiều rủi ro và vất vả, không được coi trọng như các thầy cô giáo dạy các em học sinh, vậy mà sao bác vẫn gắn bó thế?” thì bác cười và tâm sự với tôi rằng con trai bác cũng đã từng khuyên bác nghỉ việc ở trường vì thấy bố tuổi đã cao, sức khỏe cũng không được bền bỉ nhưng bác nhất quyết không đồng ý, bác nói: “Bố còn tay còn chân, còn sức khỏe, còn cống hiến được cho xã hội”. Và bác luôn tâm niệm “Hãy sống thật tốt và yêu nghề bằng cả trái tim mình, nghề sẽ không phụ người”. Những lời tâm sự của bác làm tôi xúc động vô cùng!
Hết lòng với công việc, với nhà trường là vậy, về với tổ ấm nhỏ của mình, bác là một người chồng chu đáo, một người bố, người ông rất mẫu mực luôn yêu con, thương cháu. Gia đình bác nhiều năm liền đã được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa của phường Ngọc Lâm”.
Một năm học mới lại bắt đầu, xin kính chúc bác Luận – “người gác cổng” đáng kính của trường Tiểu học Ái Mộ A có thật nhiều sức khỏe để mỗi ngày cô và trò chúng tôi lại được nghe tiếng trống trường rộn rã, thúc giục lớp lớp học sinh tới trường học tập với bao điều hay, điều bổ ích tại một ngôi trường An toàn và Hạnh phúc.