Tuy nhiên không phải chỉ dựa vào sự hứng thú giản đơn của các em mà việc giảng dạy bộ môn Âm nhạc ở cấp bậc Tiểu học trở nên thuận lợi hơn các môn học khác. Việc có một giáo viên âm nhạc giỏi, người vừa có chuyên môn, vừa có tâm cũng như dành trọn tình cảm và công sức cho công việc trồng người của mình mới là yếu tố quyết định việc các em học sinh có tiếp tục được bồi dưỡng niềm yêu thích nghệ thuật một cách toàn diện và hiệu quả nhất hay không.
Ghé thăm mái trường Tiểu học Ái Mộ A ( tiền thân là trường Tiểu học Ái Mộ ) thuộc quận Long Biên- Hà Nội, hẳn ai cũng biết cô Đào Thị Thu Huyền- giáo viên phụ trách môn Âm nhạc của trường đã nhiều năm. Suốt quãng thời gian từ năm 1996 ấy, không biết bao nhiêu thế hệ học sinh đã được cô dìu dắt, từ những nốt ngân trong tiết học đầu tiên, đến những bản hòa thanh biểu diễn cho buổi văn nghệ bế giảng ngày cuối cùng của năm học.
Nói đến cô, không một học sinh nào của trường Tiểu học Ái Mộ A cũng như trường Ái Mộ (cũ) không biết người giáo viên giản dị về hình thức nhưng lại vô cùng nhiệt huyết với công việc giảng dạy ấy, bởi cô phụ trách giảng dạy bộ môn cho gần như mọi lớp học của mọi khối học sinh. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc, cùng với việc có một người cha là nhạc sĩ đã sớm gieo trong cô một tình cảm đặc biệt dành cho những nốt cao nốt trầm, những giai điệu ngân nga chạm đến trái tim người thưởng thức. Nhưng khác với con đường mà cha cô đã đi, cô không chọn viết nên những câu chuyện bằng những dòng kẻ khung, hay kể lại những câu chuyện ấy bằng giọng ca của mình trên các sân khấu lớn rực rỡ ánh đèn, cô đã quyết định sử dụng tiếng hát của mình cho một sứ mệnh hoàn toàn mới: giảng dạy cho các em nhỏ sức mạnh kì diệu của âm nhạc. Bởi vậy, cô từ bỏ những trường đại học danh tiếng về thanh nhạc, mà chọn theo học tại một trường sư phạm, nơi khoa Nhạc - Hoạ vẫn chưa được đánh giá cao ngang tầm với giá trị thực sự mà nó đáng phải nhận được. Năm 1991, trải qua nhiều cố gắng trau dồi, cô tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại Giỏi.
Cô Đào Thị Thu Huyền trong một tiết dạy âm nhạc cho các con học sinh
Nhưng để trở thành một giáo viên Âm nhạc giỏi, không chỉ cần có chuyên môn hoàn mĩ là đủ. Cũng giống như không phải giáo viên nào cũng có thể làm nhạc công, và cũng như không ca sĩ nào cũng có thể giảng dạy về thanh nhạc, cô luôn tâm niệm sự thấu hiểu học sinh là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, cô miệt mài tìm tòi các phương pháp giảng dạy mới, làm sao cho ngọn lửa yêu âm nhạc trong các em không bao giờ tắt. Biết bao đêm dài cô ngồi nghiền ngẫm bên trang giáo án còn viết dang dở. Làm thế nào để học sinh tiếp thu bài bài học một cách tốt nhất? Làm thế nào để các em học nhạc một cách bài bản hơn chứ không còn chỉ là bản năng, như lúc nhỏ nhìn những ca sĩ trên ti vi rồi bắt chước theo? Cô có thể làm gì để các em hiểu được sự giàu đẹp của ngôn từ trong các bài dân ca suốt dọc chiều dài đất nước, cũng như học được cách gõ phách đúng nhất để làm đệm nhịp cho giai điệu các em đang ngân nga? Đối với mỗi câu hỏi, cô Huyền đều phải cố gắng tìm tòi sáng tạo, tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà giảng đường đã không chỉ rõ ràng từng bước.
Cô Đào Thị Thu Huyền dạy múa hát cho học sinh
Và tất nhiên, ta có thể nói rằng, cô Huyền đã làm rất tốt điều ấy. Minh chứng cô đạt giáo viên Giỏi cấp thành phố từ những năm đầu thập niên 2000, cô còn liên tiếp đạt danh hiệu “ Giỏi việc trường, đảm việc nhà ‘’, “ Cô giáo- người mẹ hiền” của Ban chấp hành Công đoàn quận Long Biên trao tặng ( 2003- 2008). Với sự nhiệt huyết của cô, nhiều chương trình văn nghệ của nhà trường đã đạt giải cao trong các đợt Liên hoan Tiếng hát thầy – trò, Giai điệu tuổi hồng được tổ chức thường niên nhiều năm nay. Đồng nghiệp vô cùng yêu quý bởi lối sống chân thành, cởi mở và dễ gần nơi cô. Có lẽ sự lãng mạn của một giáo viên âm nhạc là những lúc thấy cô thả hồn theo những khuông nhạc, điệu múa cùng học sinh. Ngọn lửa tình yêu với mái trường, với học sinh cuối cùng cũng đốt cháy trái tim cô, cũng tự vút thành lời ca mượt mà “ Tự hào trường em”. Ca khúc đạt giải B thành phố do Sở GD&ĐT Hà Nội phát động phong trào thi sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi năm học 2017- 2018. Gần đây nhất, tháng 11/2018, cô đã dẫn dắt đội văn nghệ của trường giành giải A1 cuộc Liên hoan hát tiếng Anh Thành phố Hà Nội lần thứ XX với những màn biểu diễn đặc biệt ấn tượng.
Suốt hành trình hơn hai mươi năm giảng dạy, không một lúc nào cô ngừng cải tiến con đường tri thức – mà cũng là con đường nghệ thật theo cách của riêng mình. Và chắc chắn rằng, chừng nào còn được ở cạnh bên các em học sinh yêu quý, nhìn trong mắt các em cháy lên tình cảm thuần khiết với âm nhạc, là chừng ấy cô Huyền còn tiếp tục cố gắng trên con đường truyền tải tri thức cũng như đam mê của bản thân đến với các em. Những nốt nhạc vui sẽ mãi mãi nơi trái tim cô !