Không chỉ riêng tôi, mà có lẽ với các bạn học sinh lớp 1C năm học 2017-2018 và đến năm 2019 khi cháu thứ hai Nguyễn Gia Huy nhập trường vào lớp 1C thì anh Hòa là một nhân vật đặc biệt không thể thiếu trong mọi hoạt động của lớp. Là trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, anh Hòa luôn nhận được sự yêu mến, tín nhiệm của cha mẹ học sinh trong lớp và sự yêu quý của các bạn nhỏ. Bởi chính anh là người kết nối mọi hoạt động của nhà trường với các bố mẹ trong lớp, người luôn yêu thương, quan tâm hết lòng đến các bạn nhỏ.
Dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt hiền từ, cách giao tiếp dí dỏm hài hước và trái tim nhân hậu của anh Hòa luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tôi. Anh Hòa sinh năm 1972, tại Sài Gòn, trong một gia đình theo đạo Thiên chúa, có 10 anh chị em. Bố, mẹ anh quê ở Hải Hậu - Nam Định. Năm 1954 bố mẹ anh di cư vào Nam sinh sống, lập nghiệp. Cả bố và mẹ anh đều là những người theo đạo, có cuộc sống giản dị, khiêm nhường…Các anh chị em của anh đều lớn lên và trưởng thành trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau của một gia đình lấy lao động lương thiện và đạo đức làm gốc rễ hàng đầu. Có lẽ vì thế mà sự bao dung, lòng nhân ái và tinh thần sẵn sàng hi sinh, nhường nhịn, thấu hiểu và sẻ chia là điều anh đã được thấm, được ngấm và được tích lũy từ nhỏ để hình thành nên nét tính cách trong con người anh. Năm 1997, anh chuyển ra Bắc sinh sống và lập nghiệp tại Quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Anh lập gia đình và sinh được 2 con trai khôi ngô, tuấn tú đó là Nguyễn Gia Khôi hiện nay đang là học sinh lớp 7 trường THCS Gia Thụy. Con trai thứ hai là Nguyễn Gia Huy hiện là học sinh lớp 4C trường Tiểu học Ái Mộ A.
Lần đầu gặp Anh Hòa cách đây 7 năm, khi đó con trai lớn của anh – Cháu Nguyễn Gia Khôi - bắt đầu đi học lớp Một trường Tiểu học Ái Mộ A. Hôm đó, tôi đang tất bật chuẩn bị mọi việc để đón các em học sinh - những chú chim non ngỡ ngàng trong Ngày đầu tiên đi học. Anh đã nhiệt tình xắn tay cùng tôi dọn dẹp, lau chùi bàn ghế, trang trí lớp học để tạo một ấn tượng tốt đẹp cho các bạn trong ngày đầu đến lớp.
Bao năm học là bấy nhiêu mùa khai giảng. Những ngày này đối với anh thật ý nghĩa. Các con anh bắt đầu một năm học với bao niềm vui cũng như không ít những khó khăn vất vả. Đó là cả một quá trình học tập, tích lũy và rèn luyện nhân cách, đạo đức. Chính vì vậy anh luôn sẵn sàng và phấn khởi khi bước vào một hành trình mới cùng các con. Và rồi ngày khai giảng đến, anh có mặt từ rất sớm, phát cờ hoa và chỉnh trang lại quần áo cho các bạn học sinh. Các bạn nhỏ của tôi nhìn anh với ánh nhìn yêu mến. Xong việc cho lớp của con trai bé anh lại tranh thủ đến với các con lớp của con trai lớn. Anh dõi theo từng bước, từng hoạt động của các con. Niềm vui của các con cũng chính là niềm vui của anh. Tôi nhìn thấy trong anh cả sự lo lắng, chu đáo của người mẹ, vừa thấy lòng bao dung to lớn của người cha.
Vào các ngày lễ lớn như ngày kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam, ngày tổ chức Hội chợ xuân, các cuộc thi dân vũ, tham quan dã ngoại… của các bạn học sinh lớp con trai lớn đến lớp con trai bé, anh Hòa luôn có mặt để động viên tinh thần của học sinh. Anh chạy đôn đáo các nơi để lo chuẩn bị mọi việc cho chu toàn. Anh hào hứng ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu của bọn trẻ bằng máy ảnh cá nhân của anh để gửi vào nhóm lớp. Các bố mẹ trong lớp ai cũng vui mừng khi nhìn thấy hình ảnh của con trong nhóm lớp được bác Hòa gửi đến.
Hình ảnh con trai anh Hòa và các bạn trong lớp tham gia hoạt động ngoại khóa và biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11
Hình ảnh anh Hòa và con trai thứ hai của anh - em Nguyễn Gia Huy - HS lớp 4C tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Hình ảnh anh Hòa chuẩn bị hoa tri ân các thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và bánh kẹo để các con học sinh liên hoan.
Mặc dù rất bận rộn nhưng cuối mỗi buổi học, anh thường nán lại chút thời gian để trò chuyện cùng các bạn học sinh, nghe các con tâm sự chuyện ở lớp, niềm vui, sở thích của mình. Đôi lúc anh còn làm “quan toà” phân xử khi các bạn hờn dỗi nhau. Bọn trẻ lớp tôi cứ ríu rít bên anh như người thân trong gia đình. Đối với anh thì niềm vui, nụ cười của các bạn nhỏ chính là niềm hạnh phúc của anh. Bọn trẻ đều gọi anh với cái tên thân mật, đầy yêu thương: “Bố Hoà”. Trong suốt 5 năm cháu Gia Khôi học tại trường, và giờ là cháu thứ hai – Gia Huy, anh Hòa luôn tận tình với các con học sinh và luôn đồng hành cùng các cô chủ nhiệm của lớp. Và với chúng tôi – những giáo viên được dạy lớp có con anh học hay các cô giáo trong trường đều thân mật gọi anh là “Thầy Phó chủ nhiệm’’.
Không chỉ quan tâm đến công việc của lớp mà anh còn thường xuyên cập nhật các thông tin trên trang web của nhà trường để kịp thời nắm bắt các kế hoạch, chủ trương của nhà trường, chia sẻ kịp thời những thông tin trên nhóm lớp cho các phụ huynh học sinh nắm được. Các bố mẹ trong nhóm lớp thường xuyên gọi điện trao đổi với anh Hoà tình hình học tập và rèn luyện của các con. Có những mẹ thường xuyên nhờ anh chụp bài gửi để kèm con. Không chỉ vậy, đôi khi có phụ huynh có công việc đột xuất không về đón con đúng giờ, anh Hòa lại là người đưa các con về tận nhà an toàn. Vì vậy, các bố, các mẹ luôn khâm phục, tôn trọng và có cảm giác như con mình đang được gửi gắm cho một thầy “Phó chủ nhiệm”. Rất nhiều bác phụ huynh từng nói với các cô chủ nhiệm là: “Con bác Hòa học ở đâu chúng em sẽ cho con học ở đó”.
Trong thời gian dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp các con tạm dừng đến trường, anh Hòa lại tiếp tục đồng hành cùng hai con suốt thời gian con học online. Từng giờ học của con anh đều ở bên, chỉ bảo, hướng dẫn con những thao tác con còn lúng túng, động viên nhắc nhở con học bài và làm bài đầy đủ. Chính vì vậy mà kết quả học tập của hai con trai anh luôn đứng đầu lớp. Đặc biệt, cũng trong thời gian nghỉ dịch, anh đã hướng dẫn và giúp đỡ con trai thứ hai là em Nguyễn Gia Huy tham gia cuộc thi “Chiến sĩ nhí Thủ đô phòng chống Covid-19” năm 2020 và đạt giải bài thuyết trình có hiệu ứng bổ trợ tốt nhất.
Hình ảnh con trai anh Hòa học Online tại nhà
Hình ảnh em Nguyễn Gia Huy - Con trai thứ hai của anh Hòa được tặng Giấy khen đạt giải bài thuyết trình có hiệu ứng bổ trợ tốt nhất trong cuộc thi “Chiến sĩ nhí
Thủ đô phòng chống Covid-19” năm 2020
Với anh, những đứa con luôn là người bạn đồng hành. Anh luôn có suy nghĩ và xác định rằng “Đồng hành cùng con, chơi với con như người bạn, phải thấu hiểu con, đặt mình vào vị trí của con, có như thế mới dạy được con. Nếu chỉ lấy quyền làm cha, làm mẹ mà dạy con thì chỉ được phần ngọn.” Và cũng chính vì được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con, giữa những năm tháng đất nước còn trong chiến tranh, rồi khó khăn thời bao cấp, nên anh thấu hiểu giá trị của lao động, của những giá trị cốt lõi trong gia đình. Anh dạy con từ những điều nhỏ nhất như biết chia sẻ với những người yếu thế, tiết kiệm nguồn thức ăn, tuyệt đối không lãng phí. Anh đã từng chia sẻ với tôi về cách anh giáo dục các cháu: “Trong gia đình, em thường giáo dục con biết trân trọng những gì đang có kể cả những thứ có mà không được như ý. Các thực phẩm ăn uống là tuyệt đối không được để dư thừa, vương vãi vì xung quanh còn bao nhiêu hoàn cảnh khó khăn túng thiếu...”.
Hình ảnh hai con trai của anh Hòa tham gia Lễ khai giảng Online
Năm học 2021-2022
Trong một xã hội có quá nhiều lo toan, quá nhiểu áp lực như hiện nay, thì cách suy nghĩ và ứng xử của anh đối nghề dạy học của chúng tôi khiến tôi thực sự xúc động. Ngay cả khi nói chuyện với các cô giáo ở trường, với người nhiều tuổi hay ít tuối hơn, anh đều gọi là “Cô” và xưng “Em”. Anh đã từng chia sẻ về trách nhiệm của gia đình với nghề giáo: “Thầy cô thì 1/10 chữ cũng là thầy. Luôn phải kính trọng và biết ơn. Em nhận thấy rằng thời gian con ở với thầy cô nhiều hơn ở với bố mẹ. Chính vì vậy, việc cộng tác với thầy cô để giáo dục con cái là nghĩa vụ của phụ huynh chứ không phải cứ giao con đến trường là xong! Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy - với em câu này luôn đúng trong mọi thời đại! Yêu ở đây là chia sẻ khó khăn với thầy cô về con cái, về tập thể lớp, cùng thầy cô giải quyết những phát sinh trong việc học tập, sinh hoạt, hoạt động của trường lớp... Mọi khó khăn, hoặc những việc chưa hiểu rõ thì trao đổi thẳng thắn, trực tiếp chứ không "mượn" mạng xã hội làm cầu nối!”. Vâng, chính vì thế, nên tôi đã hiểu vì sao anh có thể làm được nhiều việc đến thế cho các con anh, cho các bạn nhỏ trong lớp, trong trường và cho chính chúng tôi nữa – những người mang trong mình sứ mệnh cao cả: Dạy chữ - Dạy người. Và chúng tôi luôn tin rằng, với những người cha, người mẹ như anh, dẫu công việc của chúng tôi có gặp khó khăn hay trở ngại gì, thì mọi việc cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa. Với lòng chân thành, trách nhiệm và sự sẻ chia sâu sắc ấy, anh đã trở thành một thành viên vô cùng gần gũi thân thiết trong gia đình Tiểu học Ái Mộ A của chúng tôi.
Anh Hòa (đứng ngoài cùng bên trái) - Ủy viên BĐD CMHS nhà trường chụp ảnh cùng Ban giám hiệu và các thành viên khác trong Ban đại diện CMHS nhà trường
Nhiều lúc trong câu chuyện ngoài giờ dạy, khi chúng tôi nói chuyện với nhau, mọi người đều tự hỏi, không biết anh lấy đâu ra thời gian và sức lực để làm tốt cả “việc nhà” và “việc nước” như vậy? Là trụ cột gia đình, anh Hòa phải lo việc kinh doanh ở cửa hàng để tạo dựng kinh tế, lại đảm đương thêm việc của lớp - công việc mà mọi người hay đùa là: “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng anh luôn lo việc gia đình rất chu đáo. Vợ anh làm trong ngành y thường xuyên phải đi trực, một mình anh lo cơm nước và dạy dỗ các con ngoan ngoãn, học giỏi. Hai con của anh đều là những lớp trưởng gương mẫu, là học sinh xuất sắc, đạt giải cao trong các sân chơi trí tuệ. Các con của anh Hòa được anh dạy dỗ uốn nắn từ nhỏ nên hai con đều học tốt và có tấm lòng nhân hậu giống như bố. Anh dạy con biết yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời kém may mắn. Và rồi chứng kiến những việc anh làm thì chúng tôi đã có câu trả lời: “Với anh, được yêu thương, được giúp đỡ những người khác chính là niềm hạnh phúc của anh”.
Nhưng sẽ là chưa đủ nếu chỉ dừng những trang viết về anh tại đây. Bởi tôi muốn kể thêm về một góc nhìn khác trong con người anh. Tuy là khác nhưng những việc anh đã và đang làm sau đây cũng chính là việc được bắt nguồn từ gốc rễ của một con người luôn hướng thiện, luôn tìm cách trao đi, hoặc được “giao cho sứ mệnh trao đi” những ngọn lửa ấm lòng, những làn gió mát tới những người yếu thế trong xã hội. Đã có ai đó gọi anh theo cách này: Anh – Người “chuyển gió” tới gia đình phong xứ Bắc. Anh – một con người chu đáo, một con người vẫn tự cho rằng mình là người được Chúa nhờ “mang gió” tới những bệnh nhân phong cùi. Hẳn khi nói đến bệnh Phong – căn bệnh trước đây được gọi bằng một cái tên mà chỉ nghe qua đã thấy cả một sự kinh hoàng – Bệnh Hủi, nhiều người trong chúng ta giờ đây sẽ vẫn còn ám ảnh về những bệnh nhân lở loét, rụng dần các ngón tay, ngón chân, cụt dần các chi trên cơ thể. Gia đình nào có người mắc bệnh thì không chỉ bệnh nhân mà người nhà cũng bị xa lánh, hắt hủi, ruồng rẫy, gần như bị cách ly với cuộc sống thường nhật. Ấy vậy nhưng, gần 20 năm qua, mỗi mùa Chay, anh đi hàng nghìn cây số để chuyển quà tới bệnh nhân phong từ Nghệ An ngược lên Lạng Sơn. Những năm đầu, anh thường đi một mình, nhưng rồi thấy rằng, người phong có thiếu thốn về vật chất nhưng hơn hết, điều họ cần thiết là sự chia sẻ. Thế nên, anh rủ thêm đệ tử Dòng Phao Lô Hà Nội đồng hành. Rồi đến các chú ứng sinh Giáo phận Bắc Ninh và một số bạn sinh viên công giáo. Quà tặng cho bệnh nhân phong được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, từ các tổ chức xã hội, các cá nhân có lòng hảo tâm trong nước và kiều bào nước ngoài. Còn về tiền xe đi lại và chi phí phụ khác cho mỗi chuyến đi thì anh tự góp thêm. Sau những chuyến đi ấy, anh ghi chép lại thành bảng thu chi tiết và gửi lại cho phía nhà hảo tâm. Chính vì thế, tất cả đều an tâm khi nhờ anh “vận chuyển” những tấm chân tình tới người được sẻ chia. Cá nhân tôi đã có lần được đi cùng anh, trên chiếc xe chở nặng quà tặng, được chứng kiến cảnh những người bệnh phong đón anh như đón người thân trở về. Với họ, anh Hòa là người thân thiết thực sự. Thật xúc động khi thấy bàn tay anh nắm chặt lấy những đôi bàn tay đã rụng gần hết ngón của một cụ bà, khi anh không ngần ngại cúi xuống nâng giấc cho một cụ ông đã ngoài 90 tuổi trong một căn phòng tanh nồng và bừa bộn bát chén đen cộm lâu ngày chưa rửa ở trại phong Chí Linh, Hải Dương. Đó là hình ảnh in đậm trong tôi về anh Nguyễn Xuân Hòa, “người thân” của tất cả những người phong xứ Bắc. Mọi người nơi đây không gọi là trại như chúng tôi thường dùng mà thay vào đó, họ gọi là “Gia đình phong”. Xin được chia sẻ dòng trạng thái mà anh đã viết sau một chuyến đi trong hàng trăm chuyến đi như thế “Chia tay các bệnh nhân ra về, tôi mang theo món quà mà các bệnh nhân họ đã trao cho tôi, những món quà tinh thần đầy quí giá về nghị lực, khát vọng, tình yêu cuộc sống. Còn tôi, người chưa bao giờ cảm nhận được cảm giác bị hắt hủi xa lánh, sự bất lực thậm chí tuyệt vọng, tôi có biết mình đang quá hạnh phúc và biết cố gắng sống cho có ích hơn không”.
Hình ảnh anh Hòa tới thăm và tặng quà các bệnh nhân phong tại trại phong
Chí Linh, Hải Dương
Không chỉ với bệnh nhân phong, anh còn thường xuyên đến thăm, chuyển quà tới các mái ấm của trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già cô đơn, tới những điểm trường vùng xa xôi trên mọi nẻo đường đất nước. Cái quí giá hơn cả, là anh đã truyền được lòng yêu thương ấy, lan tỏa được việc làm nhân ái ấy đến các em học sinh nhỏ, nơi lớp học, nơi ngôi trường các con anh đang học. Năm học nào, ban phụ huynh do anh làm trưởng ban của các lớp cũng đều tổ chức cho các bạn nhỏ quyên góp, đến thăm và tặng quà các bạn nhỏ khó khăn. Việc làm ấy đã và đang thắp sáng lên trong tâm hồn những đứa trẻ có điều kiện sống tốt những ngọn lửa ấm nồng của tình yêu thương, của sự sẻ chia, góp phần hình thành nên những tâm hồn đồng điệu với những mảnh đời côi cút, cô đơn.
Hình ảnh anh Hòa tặng quà cho học sinh vùng khó khăn
Với tôi, khi viết những dòng chữ này, trong tôi lại hiện lên hình ảnh của một người con của Chúa, bình dị trong từng lời nói; cần mẫn, lặng lẽ góp sức mình trong từng việc làm. Hành trình ấy của anh, là hành trình đem tình thương yêu tới mọi góc khuất cuộc đời. Trong con người anh, tôi nhận thấy có một ngọn lửa yêu thương con người luôn cháy rực ở trong tim. Thật trân quý những người có tấm lòng nhân ái như anh Hòa. Anh là nguồn năng lượng tích cực lan toả tới những ai đã từng được tiếp xúc, được làm việc cùng anh. Trong một lần tình cờ, tôi được biết anh thích xem phim “Người vận chuyển” – seri phim hành động của Mĩ - trong tôi chợt nghĩ: Anh cũng chính là “Người Vận Chuyển” đặc biệt của chúng tôi – anh vận chuyển, kết nối, lan tỏa mọi điều tích cực trong cuộc sống này, giữa mọi người với nhau.
Hình ảnh anh Hòa đang chuyển quà tặng tới các bệnh nhân, các gia đình có
hoàn cảnh khó khăn
Với tất cả những gì anh Hòa đã làm, chúng tôi, những người đã và đang truyền lửa tri thức cho học sinh như được tiếp thêm sức mạnh để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục thật nhiều, thật nhiều hơn nữa. Xin chúc anh - thầy “Phó chủ nhiệm đặc biệt” của tôi – “Người vận chuyển” của chúng tôi – luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc, đem lại những mùa Xuân trong Hòa bình đến cho mọi người.