Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức ở ngoại thành Hà Nội, khi còn cắp sách đến trường niềm ao ước mai sau sẽ trở thành cô giáo luôn trong trái tim và tâm hồn của cô.
Đi học trong những tháng năm đất nước đang còn bao cấp, khó khăn và thiếu thốn trong cuộc sống nhưng những điều đó không ngăn cản được tinh thần ham học. Mỗi lần đến lớp được các thầy cô giáo giảng cho nghe những bài văn hay, những áng thơ bất hủ về quê hương, đất nước và con người Việt Nam càng làm cho cô thêm yêu đất nước của mình, chính vì vậy cô luôn cố gắng vượt mọi khó khăn để dành kết quả cao nhất trong học tập với mong ước mình sẽ được làm cô giáo, được đứng trên bục giảng để truyền thụ những kiến thức của nhân loại cho các thế hệ học sinh. Niềm ao ước và mong chờ của cô rồi cũng thành sự thật, sau hơn 10 năm đèn sách cô thi đỗ vào trường Sư phạm, nơi đào tạo những “Kỹ sư tâm hồn”, để kế tục sự nghiệp “trồng người” của các thế hệ đi trước.
Ngày ra trường, cô nhận được công tác ngay chính tại nơi đã sinh ra mình, với những kiến thức đã được học tập trong nhà trường và những kinh nghiệm học tập được của các lớp giáo viên đi trước, cộng với sự chịu khó của bản thân, càng ngày chuyên môn nghiệp vụ và trình độ sư phạm của cô càng được nâng cao. Cô đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trong tập thể giáo viên của nhà trường và chiếm được lòng tin yêu của phụ huynh học sinh và các em.
Cô ân cần chỉ bảo cho học sinh trong từng tiết dạy
Ít ai có thể biết được rằng, trong những lúc hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cô giáo Quỳnh Phương vẫn không hề chểnh mảng trong công việc, hàng ngày đến trường với chiếc xe đạp cũ kỹ nhưng lại chở nặng tình yêu thương đối với học trò, những học trò của cô rất nhiều hoàn cảnh và số phận khác nhau, có em cha mẹ không còn sống cùng nhau nữa nên việc chăm sóc các em đều do ông bà nuôi dưỡng, có những em thì trí tuệ không phát triển bình thường, việc ăn uống còn không nổi nói sao đến chuyện học hành . Đối với những trường hợp đó cô giáo Quỳnh Phương luôn đem tình yêu thương không chỉ của cô giáo đối với học trò mà còn cả tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con thơ bất hạnh.
Không chỉ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn mà tất cả học sinh luôn nhận được chăm sóc ân cần và chu đáo của cô giáo Phương. Cô chăm sóc cho các cháu như chăm sóc những đứa con của mình, mua cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt từng cây bút, từng cuốn vở, lo cho các em trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ trưa. Đến tận nhà để tìm hiểu hoàn cảnh của các cháu, gặp gỡ từng phụ huynh để động viên và chia sẻ những khó khăn, nhiều lúc việc làm của cô còn bị một số gia đình phụ huynh hiểu nhầm và đặt ra nhiều câu chuyện. Bỏ qua những lới nói đó, cô vẫn đi, vẫn đến với các em học sinh thân yêu của mình.
“ Đã nhiều lần tôi được tiếp xúc với cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Phương, mỗi lần tiếp xúc là một lần tôi cảm nhận được ở cô có rất nhiều tình cảm thương yêu học trò dành cho các em. Mỗi lời nói và cử chỉ của cô đều toát lên vẻ thân thiện, dịu dàng, trìu mến, bao dung, độ lượng mà không nhiều giáo viên có được” – Đó là lời nhận xét của nhiều Phụ huynh học sinh đã trao đổi lại với tôi. Vậy nên rất nhiều cô cậu học trò trưởng thành từ mái trường này, từ bàn tay chăm sóc và dạy dỗ của cô giáo Quỳnh Phương luôn luôn gọi cô là “mẹ Phương ” một cách trân trọng. Cứ mỗi độ thu về, đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cô Quỳnh Phương luôn nhận được nhiều những bó hoa tươi thắm nhất của rất nhiều các thế hệ học sinh đã trưởng thành trên khắp mọi miền của Tổ quốc gửi về cho “mẹ Phương” yêu thương.
Hình ảnh cô trò trong tiết học Thủ công
Là cán bộ quản lý cùng công tác với cô Quỳnh Phương, tôi đã từng chứng kiến cảnh một em học sinh nghèo, hai tay ôm một bó hoa lặng lẽ đi từng bước chậm rãi trên sân trường, đến trước cửa lớp học nơi cô Phương vẫn hàng ngày đứng trên bục giảng, em lặng lẽ nhìn hồi lâu vào trong lớp học. Một lúc sau trên khoảng sân trường râm mát rụng đầy hoa phượng đỏ, hai cô trò ôm lấy nhau mà nước mặt giàn giụa. Mọi người có mặt ở đó chứng kiến như vậy ai cũng rưng rưng nước mắt cảm động. Hỏi ra, tôi mới được biết, cô học trò này có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, em sinh ra không có cha, mẹ em lại là môt người phụ nữ kém phần may mắn, nên khi em đi học cô giáo Phương đã dành một phần tiền lương ít ỏi của mình để hỗ trợ cho em suốt những năm tháng học ở đây.
Gần 30 năm đứng lớp là gần 30 năm phấn đấu không mệt mỏi của bản thân mình, cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Phương đã tham gia vào rất nhiều các cuộc thi giáo viên dạy giỏi từ cấp quận huyện, cấp Thành phố đến cấp Quốc gia. Cô là một trong số ít các thầy cô đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia ngay từ những ngày đầu tổ chức. Không chỉ dạy giỏi cô còn là một cô giáo hát hay, múa dẻo, luôn tổ chức được nhiều hoạt động dạy học phong phú, sáng tạo để thu hút học sinh vào hoạt động học tập. Cô cũng là một người Thày luôn dìu dắt, giúp đỡ các thế hệ thầy cô giáo trẻ trong nhà trường.
Tiết dạy của cô luôn tạo hứng thú cho học sinh, giúp các em chủ động nắm bắt kiến thức
Có một bài hát ca ngợi về người giáo viên nhân dân, và cũng sẽ có rất nhiều những bài hát nữa ca ngợi về những con người đang ngày đêm cõng chữ đưa ánh sáng văn hoá, tri thức, trí tuệ đến cho các thế hệ học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Lời ca của những bài ca ấy đều ca ngợi về những người thầy giáo, cô giáo nhưng tất cả có lẽ không thể nào nói hết được công lao to lớn của các thầy cô giáo. Với cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Phương, mọi lời ca ngợi không thể nhiều bằng những tình cảm chân thành của các thế hệ học sinh và phụ huynh đã giành cho cô. Hàng trăm bó hoa tươi được đem đến tặng cô là hàng trăm ngàn tình cảm mà mọi người gửi tặng cho cô giáo Phương. Cô thật sự là một cô giáo đã dành trọn tình yêu cho sự nghiệp trồng người của mình.