Cuốn sách gồm 4 phần: Bạo hành là gì hở mẹ? Con bạn có đang bị bạo hành? Con yêu, bố mẹ luôn ở đây! và Bố mẹ có thể làm gì cho con? Mỗi phần là những gợi ý, tư vấn dễ đọc, dễ nhớ, đặc biệt là có hình ảnh minh họa do họa sĩ Đậu Quyên thực hiện.
Phần 1: Bạo hành là gì hở mẹ? sẽ giúp mọi người có khái niệm và biết cách nhận diện về bạo hành thể chất, bạo hành tình dục, bạo hành tâm lý, bỏ bê và lạm dụng.
Phần 2: Con bạn có đang bị bạo hành? nêu lên những lầm tưởng của bố mẹ về bạo hành như: Bạo hành có nghĩa là ai đó đánh đập con mình? Kẻ bạo hành là người lạ và người "xấu"; Trẻ thì phải dạy dỗ mới nên người được; Thời gian sẽ chữa lành tất cả...Phần 2 này cũng "mách" cho bố mẹ cách lắng nghe cơ thể con cũng như nhận biết các dấu hiệu trẻ bị bạo hành bởi thầy cô, người trông trẻ; trẻ bị bạo lực học đường...
Phần 3: Con yêu, bố mẹ luôn ở đây! gợi ý cho bố mẹ cách bảo vệ con mình trước vấn nạn bạo hành với 10 nguyên tắc nằm lòng dành cho bố mẹ. Đặc biệt, phần này hướng dẫn bố mẹ cách xử lý tình huống nếu một ngày con nói "Bố mẹ ơi, con bị bạo hành". Cuốn sách cũng đưa ra rất nhiều lời khuyên dành cho bố mẹ có con bị bạo hành.
Phần 4: Bố mẹ có thể làm gì cho con để con không bị bạo hành? gợi ý bố mẹ dạy con những kỹ năng cần thiết để ít nhất trẻ cũng đủ hiểu biết để tránh bị bạo hành. Đó là 45 nguyên tắc tối thiểu cần phải có cho mỗi đứa trẻ và 15 câu hỏi cùng những gợi ý, đáp án giúp bố mẹ có thể chơi cùng con mỗi ngày để con có phản xạ tốt với những tình huống xấu.
Cuốn sách này cũng giúp bố mẹ nhận diện người bạo hành để đề phòng và tìm hiểu sâu hơn nếu như người giúp việc, bảo mẫu, cô giáo hoặc những người lớn liên quan đến con cái có những dấu hiệu đó.
Bạo hành trẻ vốn không phải là đề tài mới mẻ nhưng luôn là một đề tài thời sự khi số liệu thống kê từ UNICEF cho thấy tại Việt Nam có đến 68,4% trẻ ở độ tuổi từ 1 - 14 trong các cuộc khảo sát cho biết mình bị bạo hành. Cũng theo số liệu thống kê này ở Việt Nam có hơn 1,7 triệu lao động trẻ em; 172.500 trẻ không được bố mẹ chăm sóc; 21.000 trẻ em đường phố; 12.000 trẻ em vi phạm pháp luật; 2.381 trẻ có HIV/AIDS; 1.067 trẻ sử dụng ma túy. Đó mới chỉ là bề nổi với những con số thống kê được.
Đọc con số không phải để làm cho các bố mẹ giật mình kinh sợ mà là để mọi người có cái nhìn toàn cảnh hơn, ý thức mạnh mẽ hơn về việc bảo vệ những trẻ bị bạo hành dù đó không phải là con mình.