Đất nước Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc. Bản sắc văn hóa Việt được thể hiện ở nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội, trong đó có lễ hội truyền thống. Việc thường niên tổ chức các lễ hội vừa là dịp để giáo dục quốc dân ở các mặt đức dục, trí dục, mỹ dục, lại vừa tạo cơ hội cho ngành du lịch của nước ta phát triển.
Lễ hội ở Việt Nam tồn tại đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức, nghi thức khắp 3 miền đất nước. Lễ hội truyền thống là những lễ hội có giá trị về mặt văn hóa, đã trường tồn trong lịch sử cộng đồng xã hội, được bảo lưu, phát triển, lặp lại và quảng bá không ngừng.
Hôm nay, cô muốn giới thiệu tới các bạn cuốn sách “Lễ hội Việt Nam” của tác giả Vũ Thụy An. Cuốn sách có in bìa hình lá cờ đặc trưng của các lễ hội và được in với kích thước nhỏ nhắn 14,5 x 20,5 cm. Trong cuốn sách này có đầy đủ những lễ hội mang nét chung của các dân tộc và cả những nét riêng của từng miền, từng vùng. Lễ hội truyền thống ở Việt Nam thường diễn ra vào mùa xuân và số ít vào mùa thu là hai mùa đẹp nhất trong năm. Trong số các lễ hội Việt Nam thì phải kể đến những lễ hội chi phối hầu hết các gia đình trên mọi miền Tổ quốc, đó là Tết Nguyên đán, Lễ Vu Lan và tết Trung Thu. Gần đây một số lễ hội được nhà nước và nhân dân quan tâm như: Lễ Hội Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội đền An Dương Vương (Bắc Ninh), Lễ hội Nghinh Ông (Phan Thiết),... Một số lễ hội lớn ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn, tiêu biểu như: Hội Gióng; Lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dày (Nam Định), Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang), Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng)...
Lễ hội còn là dịp để gắn kết cộng đồng. Lễ hội nào cũng là của và thuộc về một cộng đồng người nhất định, đó có thể là cộng đồng làng xã (hội làng), cộng đồng tôn giáo, cộng đồng dân tộc ... Sự gắn kết cộng đồng để thể hiện tinh thần đoàn kết, cùng chung ước muốn về sự bình yên, ấm no…Mỗi một lễ hội truyền thống ở mỗi nơi đều mang một sắc thái văn hóa khác nhau, thể hiện quan niệm văn hóa, cách suy nghĩ, phong tục, tập quán mang tính đặc trưng của con người, vùng đất. Mặc dù độc đáo vậy, nhưng giá trị cốt lõi của sự khác biệt đó vẫn hướng tới điều tốt đẹp, nhân văn. Vì vậy những lễ hội truyền thống với sắc thái văn hóa riêng đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của dân tộc.
Với mong muốn giúp các bạn tìm hiểu về các giá trị văn hóa cổ truyền cũng như những nét đẹp tiêu biểu trong lễ hội truyền thống của dân tộc ta, cuốn sách “ Lễ hội Việt Nam” sẽ là một nguồn tư liệu quý để các bạn tìm đọc và nghiên cứu. Hiện nay cuốn sách “ Lễ hội Việt Nam” đang đón chờ các bạn đến tìm và đọc tại phòng thư viện của trường Tiểu Học Ái Mộ A.