Trong lòng mỗi chúng ta ai cũng có một người mẹ để tôn thờ, kể về người mẹ nào cũng là cả một huyền thoại. Nhưng có những người không phải riêng một ai mà là cả đất nước, cả một dân tộc đời đời suy tôn và cất gọi tiếng mẹ thiêng liêng. Đến với buổi giới thiệu sách hôm nay cô xin giới thiệu đến các em một cuốn sách hay kể về một người mẹ huyền thoại. Chị Út Tịch trong “ Người mẹ cầm súng ”.
“Người mẹ cầm súng” là tên một tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Thi do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2006. Chỉ vẻn vẹn 286 trang nhưng với một truyện ký “Người mẹ cầm súng”, hai truyện ngắn “Mùa xuân”, “Mẹ vắng nhà”, một truyện dài “Ước mơ của đất nước” nhà văn Nguyễn Thi đã dựng lên hình ảnh một người mẹ cầm súng thục thụ, một người mẹ tiêu biểu cho tinh thần cách mạng Việt Nam. Chị Nguyễn Thị Út hay còn gọi là chị Út Tịch.
Truyện ký Người mẹ cầm súng đã được Hội đồng văn học nghệ thuật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giải chính thức giải thưởng văn học, nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965). Với khổ sách 12.5x20.5cm, trang bìa được thiết kế màu vàng nổi bật trên nền vàng là chiếc khăn rằn quên thuộc của người dân miền Tây.
Nội dung cuốn sách gồm có 5 phần:
Phần 1: Nguyễn Thi - Lời giới thiệu của Nhà phê bình văn học Ngô Thảo
Phần 2: Người mẹ cầm súng – truyện ký
Phần 3: Mùa xuân - truyện ngắn
Phần 4: Mẹ vắng nhà - truyện ngắn
Phần 5: Ước mơ của đất nước - truyện dài
Trong phần giới thiệu này, cô xin giới thiệu về truyện ký Người mẹ cầm súng là một trong 5 phần của cuốn sách.
Các em ạ !
Nội dung truyện đã thâu tóm về một cuộc đời và gương chiến đấu của chị Nguyễn Thị Út – anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Trà Vinh trong kháng chiến chống Mỹ. Từ một cô bé con nhà nghèo phải đi ở đợ, chị đã được cách mạng giác ngộ và trưởng thành, trở thành một chiến sỹ du kích dạn dày kinh nghiệm cùng đồng đội liên tiếp lập nhiều chiến công thành tích đó chính là của người mẹ đã chín lần sinh nở. Điều đặc biệt là cứ mỗi lần sinh được ít ngày, chị Út lại cầm súng ra trận, chiếm đấu hết mình và mang về những chiến công lừng lẫy. Nhưng sinh đứa con thứ 9 vừa được 14 ngày, chị hi sinh ! .
Nhân vật chị Út quả là một nhân vật điển hình. Trong đời làm mẹ và đánh giặc của chị, các mối quan hệ được nhà văn miêu tả hết sức sinh động với nhiều tình huống khác nhau, mâu thuẫn khác nhau. Mối quan hệ giữa chị và đàn con, với chồng, với đồng bào xã Tam Ngãi, với quân thù.
Các em có biết. Những ngày tháng cơ cực đi ở đợ cho địa chủ Hàm Giỏi, nahf con gái Đồng Thanh chị đã từng phản kháng lại khi bị đánh đập đã man. Nhiều người hỏi “uống thuốc gì mà gan dữ vậy” chị trả lời là có uống thuốc gì đâu, bị đòn nhiều quá phải ngậm ở trong lòng mới nảy sinh ra cái gan dữ vậy. 14 tuổi thôi nhưng chị đã biết rút ra một điều có ý nghĩa làm phương châm “đánh nó để nó không đánh được mình”. Với bọn địa chủ như thế, sau này đánh Pháp, đánh Mỹ cũng vậy, lên 15 tuổi chị xin đi bộ đội, các chú bộ đội hỏi “tại sao…” chị trả lời ngay “đi đánh Tây sướng bằng tiên chứ cực gì?”. Đó là quan điểm về hạnh phúc về sướng khổ ở đời của chị. Với quan điểm đó chị Út Tịch đã đánh Pháp, đánh Mỹ rất nhiệt tình và hào hứng.
Đọc truyện ký các em còn thấy được cả một gia đình nhà chị Út sôi nổi và hào hứng với cách mạng chứ không chỉ riêng gì chị “Đi làm cách mạnh là cái công việc mà nếu phải dừng lại một lúc nào đó thì cả hai vợ chồng sẽ thấy lẽ loi, trơ trọi, buồn khổ không biết chừng nào” cho nên đã đánh giặc thì phải “đánh cho còn cái lai quần cũng đánh ”.
Các em thân mến!
Chính vì sự hy sinh cao cả, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước của chị cũng như cả gia đình chị mà gia đình chị luôn được đồng bào Tam Ngãi yêu mến. Đặc biệt là con người chị sống chiến đấu là một tấm gương lớn không những cho đồng bào lúc bấy giờ học tập mà các thế hệ con cháu noi theo trong những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước mai này.
Với nghệ thuật sử dụng bút pháp nhẹ nhàng, lời văn mộc mạc giản dị đã toát lên được vẽ đẹp của những người anh hùng cách mạng, thể hiện tình yêu nước sâu sắc.
Người mẹ cầm súng là truyện ký mà cô đại diện cho các truyện trong cuốn sách ngày hôm nay để giới thiệu đến các em. Các em hãy tìm đọc cuốn sách để tìm hiểu thêm và biết được sự hy sinh cao cả, thầm lặng của các anh hùng cách mạng và biết được các truyện còn lại của cuốn sách nó hay và có ý nghĩa với các em như thế nào?. Các em hãy đọc cuốn sách để biết rằng tất cả những gì chúng ta có được ngày hôm nay là cả một sự hy sinh thầm lặng và lớn lao của những người anh hùng như chị Út Tịch, vì thế chúng ta phải biết trân trọng điều đó bằng cách học tập thật chăm chỉ để sau này góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ bầu trời xanh của chúng ta. Các em có đồng ý không?.
Cuốn sách này hiện có ở thư viện trường Tiểu học Ái Mộ A. Mời các em tìm đọc.