Văn học dân gian gồm có thành ngữ, tục ngữ, ca dao, phong giao... Thành ngữ là những cụm từ cố định để diễn đạt một khái niệm. Tục ngữ là những câu hoàn chỉnh, có ý nghĩa trọn vẹn, nói lên hoặc một nhận xét về tâm lý, hoặc một lời phê phán, khen hay chê, hoặc một câu khuyên nhủ, hoặc một kinh nghiệm về nhận thức tự nhiên hay xã hội.
Ngôn ngữ của người miền quê, nhất là những cụ già không phải “quê mùa” như trước đây mọi người vẫn tưởng, mà trái lại, rất văn vẻ, có nhiều màu sắc, nhiều hình tượng. Chính là vì trong những câu chuyện hằng ngày, bà con thường sử dụng những thành ngữ, tục ngữ là cái vốn vô cùng phong phú, vô cùng quý giá của tiếng nói dân tộc, được truyền miệng từ đời này sang đời khác.”
Học sinh, sinh viên đã ghi chép rất nhiều thành ngữ và tục ngữ nhưng họ thú thật rằng nhiều khi không hiểu rõ được ý nghĩa và cách dùng một số thành ngữ tục ngữ đó. Và để giúp cho thế hệ trẻ dùng được vốn từ ngữ trong văn học dân gian, tác giả Nguyễn Lân đã viết cuốn sách “Từ điển thành ngữ và tục ngữ” với độ dày 450 trang được sắp xếp các mục theo thứ tự chữ cái, thành một cuốn từ đển để dễ tra cứu. Những từ cổ, những từ xuất phát từ một điển cố, những từ và câu Hán- Việt đều được giải thích rõ ràng, cặn kẽ. Cuốn sách này sẽ giúp các bạn nắm vững hơn nội dung cụ thể của từng thành ngữ, tục ngữ; để trên cơ sở đó, vừa bổ sung kiến thức, vừa vận dụng vào cách nói, cách viết của mình được trong sáng hơn, hiệu quả hơn.
Cuốn sách đang có trong thư viện trường Tiểu học Ái Mộ A chúng ta hãy đến tìm và đọc nhé!