Rác thải nhựa đang trở thành vấn nạn, ngày càng ảnh hưởng trầm trọng đến môi trường, đe dọa sự phát triển vững của mỗi địa phương, quốc gia, của xã hội và cuộc sống trên trái đất. Theo phân tích khoa học, phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm thì các chất thải từ nhựa và ni lông mới bị phân hủy. Chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc hại cho môi trường sống.
Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa
Theo thống kê, Việt Nam đang xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Ngoài ra Việt Nam còn là 1 trong 5 quốc gia có lượng chất thải nhựa đẩy ra đại dương nhiều nhất. Chúng ta, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra ngày một tăng. Nguồn chất thải nhựa phát sinh chủ yếu từ sinh hoạt của các cá nhân, gia đình, doanh nghiệp…. Bộ TN&MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi nilon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi nilon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa.
Chúng ta đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa gây ra với 3 định hướng chính sách nổi bật là: Cải thiện môi trường pháp lý; Đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường và định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để xử lý, loại bỏ rác thải nhựa nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra chưa được cải thiện nhiều. Một số địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những sáng kiến, mô hình, cách làm hay trong giải quyết rác thải nhựa. Chúng ta có những kế hoạch để thực hiện chủ trương ngăn ngừa, giảm thải chất thải nhựa, túi ni lông vào môi trường tự nhiên và đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cách tốt nhất để giảm thiểu rác nhựa là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa. Tuyên truyền để nâng cao ý thức của cộng đồng, thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa một lần để người dân ý thức được trách nhiệm của mình với cộng đồng. Cụ thể:
+ Các cơ quan, đơn vị không mua sắm, sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động của mình;
+ Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện việc giảm thiểu, tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
+ Mỗi người dân cần thực hiện mang theo túi đựng có thể tái sử dụng để hạn chế túi nilon khi đi mua sắm hàng hóa”, “Dùng chai lọ thủy tinh để đựng đồ thay cho chai lọ nhựa”, “ Không dùng đồ đựng thực phẩm bằng nhựa”, “ Không dùng vật dụng như đũa, muỗng, nĩa, chai, ly, hộp, ống hút...bằng nhựa dùng một lần”, “ Ưu tiên mua sản phẩm dùng trong hộp giấy thay vì hộp nhựa”, “ Bỏ rác đúng nơi quy định – hành động nhỏ, ý nghĩa lớn”
+ Cộng đồng dân cư tham gia thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định và tiến tới sản xuất túi nilon, đồ nhựa thân thiện với môi trường.
+ Mỗi thành viên trong xã hội sẽ là một tuyên truyền viên tuyên truyền và thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa và túi nilon dùng một lần”
Chắc chắn các việc làm trên nếu được các tổ chức, cá nhân nghiêm túc tuyên truyền và thực hiện sẽ góp phần hạn chế lượng rác thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, tiến đến nói không với rác thải nhựa để xây dựng một xã hội với môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.