Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện nằm trong 4 quốc gia có lượng phế phẩm nhựa thải ra môi trường nhiều nhất thế giới, ước tính hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm. Bình quân mỗi hộ gia đình Việt sử dụng khoảng 1 kg túi nylon/tháng, riêng hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và nylon. Với thực trạng xả rác thải nhựa như vậy, chẳng mấy chốc Việt Nam sẽ chìm trong biển rác nhựa và phải đối mặt với nguy cơ “ô nhiễm trắng” trầm trọng.
Hiện nay, với những các sản phẩm nhựa dùng một lần như cốc, dĩa, thìa, hộp xốp, túi nilon, ta có thể gặp bất cứ đâu, từ hàng nước, hàng chè, các quán cơm bình dân cho đến siêu thị với giá rất rẻ. Hàng nghìn cốc nước mía, trà sữa hay cốc chè được bán ra mỗi ngày cũng là chừng ấy những chiếc cốc nhựa, ống hút và túi nilon bị vứt ra ngoài môi trường.
Ở nhiều nơi, không khó để chúng ta bắt gặp những bãi rác tự phát cạnh ven các con đường, cạnh các khu dân cư, khu chợ, khu đất trống do thói quen tiện tay của người dân. Thậm chí, rác thải sinh hoạt còn được một số người dân gom thành bao vứt xuống sông, trên các kênh, rạch,… Các loại rác này đang được thải ra môi trường mỗi ngày mà phần lớn là chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Thực trạng đó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều địa phương trong cả nước.
Việc sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa đối với người dân đang trở thành thói quen khó bỏ bởi tính tiện dụng mà ít ai quan tâm đến tác hại của nó. Ngoài ảnh hưởng đến môi trường như làm suy kiệt dinh dưỡng trong đất, tàn phá hệ sinh thái, gây ngập úng ở các đô thị, hủy hoại sinh thái biển và sinh thái sông hồ... túi nilon và rác thải nhựa còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về hệ tiêu hóa, hệ hô hấp và bệnh ung thư.
Việc loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống của chúng ta là một việc làm khó khả thi ở thời điểm này, điều đó cần có kế hoạch cụ thể và một lộ trình lâu dài để thay đổi hành vi, thói quen của mọi người. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta lại không có những hành động, giải pháp để hạn chế, phòng, chống rác thải nhựa ngay lúc này. Một số giải pháp đơn giản, hiệu quả chúng ta có thể làm để giảm thiểu tối đa tác hại của rác thải nhựa và túi nylon như sau:
- Giảm thiểu lượng rác thông qua việc thay đổi lối sống và cách tiêu dùng, cải tiến các quy trình sản xuất, mua bán để giảm lượng rác thải, nhựa dùng một lần (VD: Mua hàng đóng gói lớn thay cho sản phẩm đóng gói nhỏ lẻ, người bán nước giải khát dùng cốc sứ, thủy tinh thay cho cốc nhựa một lần…)
- Sử dụng lại sản phẩm, hay một phần sản phẩm cho chính mục đích cũ hay cho một mục đích khác, sử dụng một sản phẩm nhiều lần cho đến hết tuổi thọ sản phẩm (VD: Giặt sạch túi ni lông để dùng nhiều lần).
- Sử dụng rác thải làm nguyên liệu sản xuất ra các chất hoặc sản phẩm có ích khác (VD: dùng chai, lọ nhựa làm thành chậu trồng cây, ống đựng bút…).
- Ưu tiên sử dụng sản phẩm có tính phân hủy cao, an toàn với môi trường, phân loại và sử dụng rác hữu cơ để ủ phân vi sinh (khi có điều kiện).
Mỗi một chúng ta bằng hành động nhỏ nhất của bạn đều góp phần cải tạo môi trường, giảm thiểu các tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống. Ngay từ bây giờ, hãy vì một hành tinh xanh sạch đẹp không rác thải nhựa mà thay đổi từ chính mình!