Rác thải nhựa là gì? Chúng từ đâu mà có? Các sản phẩm làm từ nhựa khi còn đang sử dụng thì được gọi là sản phẩm nhựa nhưng đến khi sản phẩm nhựa đó không còn sử dụng được nữa và phải bỏ đi thì đó chính là rác thải nhựa. Giống như việc bạn uống nước trong chai nhựa, khi bạn uống hết nước và bỏ chai đi thì lúc đó chai nhựa đựng nước lại thành rác thải nhựa. Việc sử dụng chế phẩm từ nhựa đồng nghĩa với việc thải ra rác nhựa, ngoài chai nhựa còn có nhiều loại như túi nilon, ca cốc nhựa, ống hút nhựa,... đều là những vật dụng quá quen thuộc gần như không thể thiếu của chúng ta. Rác thải nhựa trở thành vấn đề nan giải chính bởi tính chất khó phân hủy, chúng ta dễ dàng tạo ra nhựa nhưng để nhựa tự phân hủy thì phải mất hàng trăm, nghìn năm. Các quốc gia trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang rất đau đầu về tình trạng gia tăng rác thải nhựa và vấn đề xử lý cũng như tái chế rác thải nhựa.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm và tăng dần theo từng năm. Chỉ 6% chất thải nhựa từng được sản xuất đã được tái chế. Khoảng 8% đã bị thiêu hủy, trong khi phần còn lại - 55% - đã tích lũy trong các bãi chôn lấp, bãi rác hoặc môi trường tự nhiên.
Để hạn chế việc sử dụng nhựa dùng một lần thì tái sử dụng là biện pháp đang được rất nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm. Việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa thúc đẩy sáng tạo. Ví dụ, chai nhựa sau khi sử dụng xong có thể tái sử dụng để đựng nước, bột giặt, nước rửa bát, hoặc làm đồ trang trí như ống cắm bút, chậu hoa… Việc tái chế này hoàn toàn đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà.
Từ chối các sản phẩm không thực sự cần thiết trong cuộc sống đặc biệt là các sản phẩm có nhựa dùng một lần như trà sữa, ống hút, hộp xốp đựng đồ ăn, túi nilon… Mỗi người đều có thể góp phần bảo vệ môi trường qua những hành động rất nhỏ hằng ngày như không lấy ống hút khi đi uống nước ngoài hàng, không lấy túi nilon khi đi mua sắm.
Nói không với rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, cũng không phải chỉ một cá nhân hay tập thể hưởng ứng là thành phong trào lớn mà nó cần được nhân rộng, cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là với những em học sinh. Điều này sẽ hình thành những thói quen tốt ngay từ nhỏ để xây dựng thế hệ tương lai có ý thức bảo vệ môi trường sống một cách tự giác.
Đây không phải là trách nhiệm của một ai, một tổ chức nào mà là tất cả mỗi chúng ta. Chúng ta hãy chung tay để trả lại một hành tinh xanh, sạch, đẹp nhé!