Tiết kiệm điện, nước trong thời gian nắng nóng là điều cần thiết của mỗi người, mỗi nhà

Thứ ba, 13/6/2023, 11:5
Lượt đọc: 3454

Điện, nước không phải là nguồn năng lượng vô tận, do đó cần sử dụng nguồn năng lượng này một cách thông minh, hiệu quả và tiết kiệm. Hiện nay, thời tiết nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt là miền Bắc đang bước vào cao điểm nắng nóng.

Theo thông tin dự báo, thời tiết năm nay sẽ còn có diễn biến phức tạp, nắng nóng có xu hướng tăng cao bất thường. Vì vậy, tình hình tiêu thụ điện dự báo sẽ tiếp tục ở mức rất cao làm tăng nguy cơ quá tải, sự cố mất điện, thậm chí khả năng cháy nổ, gây mất an toàn và nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì vây, việc tiết kiệm điện, nước là biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề thiếu điện ngày càng trầm trọng.
Theo tin mới nhất, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô năm 2023. Cụ thể hơn, ông cho biết, tính đến ngày 6/6/2023, hầu hết các hồ thủy điện lớn miền Bắc đã về mức nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bản Chát, Hủa Na, Thác Bà. Riêng hai hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã phải chạy xuống dưới mực nước chết. Duy nhất hồ thủy điện Hòa Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến khoảng ngày 12-13/6. Về nguồn nhiệt điện, với sự nỗ lực của các đơn vị có liên quan, việc cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện đã được đảm bảo. Các nhà máy nhiệt điện than đã đủ nhiên liệu vận hành với công suất huy động cao.Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị. Điển hình như ngày như 1/6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030 MW. Về lưới điện, khả năng truyền tải điện luôn ở ngưỡng giới hạn cao dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
 
            Vậy mỗi chúng ta cần làm gì để tiết kiệm điện? 
  * Để tiết kiệm điện, hãy tận dụng ánh sáng tự nhiên nhiều hơn vì ánh sáng mặt trời tự nhiên sẽ tạo ra một môi trường học tập thoải mái hơn so với ánh sáng của bóng đèn điện thường có trong các lớp học, giúp tập trung, tỉnh táo và cải thiện hơn tâm trạng người học. Nếu như ánh sáng mặt trời đủ chiếu sáng phòng học, hãy tận dụng tối đa nguồn năng lượng thiên nhiên này bằng cách tắt các bóng đèn để tiết kiệm điện. Ngoài ra, việc tắt đèn còn giúp phòng học mát hơn trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm mùa hè như hiện nay. Và đừng quên tắt đèn, tắt quạt  khi ra khỏi phòng học.
* Trong các phòng học, không nên để quạt chạy ở tốc độ quá cao, như vậy sẽ rất tốn điện. Bật quạt chạy ở chế độ vừa phải. Bên cạnh sử dụng quạt trần, ta có thể mở thêm các cửa sổ để đón gió tự nhiên.
* Tắt đèn và các thiết bị điện trong phòng giáo viên, các phòng học, phòng chức năng khi không thật sự cần thiết. Chỉ cần mỗi lớp học tắt bớt một bóng đèn hay một máy quạt vào giờ cao điểm (từ 9h - 11h) là đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho nhà trường.
*  Không để các thiết bị điện ở trạng thái chờ vì điều đó vẫn làm tiêu hao năng lượng điện. Chính vì thế, khi không có nhu cầu sử dụng nên tắt nguồn các thiết bị điện (đặc biệt là vào cuối ngày thứ Sáu và trước ngày lễ) để có thể giảm bớt việc sử dụng năng lượng. 
*Mỗi gia đình chỉ nên sử dụng một đến hai phòng có điều hòa.

          Tuyên truyền tiết kiệm điện được thực hiện hàng năm góp phần nâng cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm cho học sinh ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Với những nội dung tuyên truyền trên, nhà trường hi vọng các em không chỉ vận dụng tiết kiệm điện trong sinh hoạt hàng ngày mà các em còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong việc vận động người thân, cộng đồng xã hội, lan tỏa đến mọi người ý thức thực hiện sử dụng điện tiết kiệm, an toàn và hiệu quả. Đó cũng cách các em thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng. CBGVNV và HS nhà trường luôn hưởng ứng và thực hiện thật tốt chủ trương tiết kiệm điện của nhà nước.
 

        Nước là nguồn tài nguyên vô giá nhưng lại không vô tận, chính vì thế tiết kiệm nước luôn luôn rất cần thiết ngay cả ở những nơi có nguồn nước dồi dào. Ngoài việc tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, tiết kiệm nước còn giúp ngăn ngừa cạn kiệt nguồn nước ngầm, ngăn ngừa ô nhiễm nước ở các lưu vực và gián tiếp tiết kiệm điện năng sản xuất ra nước sạch.
Các phương pháp tiết kiệm nước:
* Sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước:
Để ngăn ngừa sự lãng phí nước, một phương pháp khá hiệu quả đó là hãy thay thế các thiết bị vệ sinh cũ, gây lãng phí nước bằng các thiết bị mới tiết kiệm nước. Nếu ta xây nhà mới, việc chọn mua các thiết bị tiết kiệm nước cho ngôi nhà xinh xắn của mình là một quyết định sáng suốt. Không được đấu nối máy bơm trực tiếp vào đường ống cấp nước.
* Kiểm tra và khắc phục rò rỉ:
Đây là cách tránh thất thoát nước mà chúng ta cần phải làm gấp vì đường ống dẫn nước có thể bị rò rỉ và gây ra hao phí nước nghiêm trọng. Để kiểm tra, ta đọc số nước trên đồng hồ trước và sau khoảng thời gian hai giờ không sử dụng nước. Nếu đồng hồ không cho cùng một số nước, thì hệ thống cấp nước đã bị rò rỉ. Kế đến, ta kiểm tra sự rò rỉ của toilet bằng cách cho một ít bột màu vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu. Nếu chưa xả nước, mà màu đã xuất hiện trong bồn cầu trong vòng 30 phút, nghĩa là toilet đã bị rò rỉ. Khi phát hiện có sự rò rỉ, ta cần nhờ thợ hoặc tự sửa chữa ngay lập tức.
* Tận dụng nước tối đa khi có thể:
Khi rửa bát, rửa rau hay cọ rửa đồ vật…. nên hứng sẵn một chậu nước sạch. Nước rửa lần cuối có thể dùng lại vào việc khác như cọ rửa hoặc lau nhà. Còn nước bẩn (không có xà phòng) có thể được dùng để tưới cây, tưới đất cho ít bụi…Chỉ rửa trực tiếp dưới vòi nước khi thật cần thiết và điều chỉnh vòi vừa đủ dùng.
* Không nên sử dụng bồn cầu như gạt tàn hay thùng rác:
Mỗi lần xả nước để dội một mẩu thuốc lá thừa, giấy ăn hay mẩu rác nhỏ thì ta đã lãng phí khoảng 10 lít nước. Vì thế hãy sử dụng thật hiệu quả mỗi lần nhấn cần gạt nước.
* Đặt chai nhựa hoặc phao nổi vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu:
Để giảm lượng nước lãng phí, hãy để một chai nhựa vào ngăn chứa nước xả của bồn cầu, cách xa hệ thống vận hành. Để giữ yên chai, nên để một lớp cát hoặc đá cuội dày khoảng 5cm vào trong mỗi chai nhựa, đổ nước đầy chai, và vặn chặt nút. Ta cũng có thể mua loại phao nổi rẻ tiền và đặt vào ngăn chứa nước xả. Cách này giúp tiết kiệm khoảng 40 lít nước mỗi ngày.
* Sử dụng vòi nước hiệu quả:
Ta nên khóa kỹ các vòi nước khi không dùng. Nếu có sự nhỏ giọt ở các vòi nước khi đã khóa chặt, ta phải nhanh chóng sữa chửa hoặc thay thế ngay vì lượng nước nhỏ giọt sẽ “tích tiểu thành đại” gây lãng phí một lượng nước lớn trong một thời gian dài.
* Tiết kiệm nước trong phòng tắm:
Ta cần gắn miếng nút chặn lavabo khi rửa mặt, rửa tay. Khi tắm, ta nên rút ngắn khoảng cách vòi nước khi xối, không nên tắm vòi sen quá 4 phút và tắt nước trong thời gian chà xà phòng. Ngoài ra, ta có thể đặt dưới chân một chiếc chậu to và đứng vào đấy. Lượng nước này được dùng để dội bồn cầu, rửa sàn nhà tắm…Ta cũng cần giới hạn số lần tắm trong bồn vì tốn rất nhiều nước. Nếu cọ rửa phòng tắm nên làm từ cao xuống thấp, cọ rửa gương, lavabo, bồn cầu…trước khi cọ sàn. Ta không cho trẻ nghịch nước trong phòng tắm một mình. Chúng sẽ mở vòi nước xối xả mà có khi chỉ tắm qua loa. Hãy dạy trẻ ý thức tiết kiệm nước ngay từ bé.
* Tiết kiệm nước khi nấu ăn:
Ta nên đặt một chậu nước nhỏ bên cạnh để sau mỗi lần cắt rau, củ, hành, tỏi…ta rửa tay. Trừ khi cần làm sạch dầu mỡ còn thì ta chỉ cần nhúng tay vào chậu nước rồi lau khô bằng khăn sạch, thay vì rửa dưới vòi nhiều lẫn gây lãng phí nước.
* Tiết kiệm nước khi giặt quần áo:
Khi giặt quần áo bằng tay, ta nên dùng phèn chua hoặc chanh rửa tay để tiết kiệm nước. Ta cũng có thể mang găng cao su để hạn chế rửa tay nhiều lần. Khi xả quần áo lần cuối, ta giữ lại nước này để làm sạch sàn nhà, lau nhà.
Nếu dùng máy giặt thi ta chỉ giặt khi có đủ khối lượng theo công suất của máy để tiết kiệm nước một cách tốt nhất. Đồng thời, ta nên tránh chu trình giặt cố định; với mỗi lần giặt, ta điều chỉnh mức nước phù hợp với khối lượng quần áo cần giặt.
Với ý thức sâu sắc trong việc tiết kiệm nước, ta có thể có nhiều sáng kiến ưu việt hơn tùy theo hoàn cảnh mỗi người. Tiết kiệm nước sẽ trở thành thói quen khi tất cả mọi người trong gia đình nhận thức được tầm quan trọng của nó. Nhờ vậy, chúng ta có thể cùng nhau tiết kiệm tiền, góp phần gìn giữ nguồn nước sạch, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
          Trường Tiểu học Ái Mộ A tuyên truyền, vận động CBGVNV - HS nhà trường sử dụng tiết kiệm điện, nước. Mỗi cá nhân chúng ta hãy nâng cao ý thức, chung sức đồng lòng tiết kiệm nguồn tài nguyên vô giá, đó cũng chính là nâng cao chất lượng sống của chính chúng ta.
 
Chia sẻ bài viết:

Tin cùng chuyên mục

Chủ quản: UBND QUẬN LONG BIÊN

Địa chỉ: Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội

Điện thoại: (0243)8724033, Fax: 38724618

Email: ubnd_longbien@hanoi.gov.vn

 

TRƯỜNG TH ÁI MỘ A

Địa chỉ: Số 8, ngõ 135 ngách 12, Nguyễn Văn Cừ, P. Ngọc Lâm Q. Long Biên, TP. Hà Nội

Chịu trách nhiệm nội dung: Thái Thu Huyền - Phó BTCB - Phó Hiệu trưởng

Email: c1aimoa@longbien.edu.vn 
© Nội dung thông tin, hình ảnh thuộc bản quyền trường Tiểu Học Ái Mộ A.
Cá nhân, tổ chức không được phép sử dụng khi chưa có sự đồng ý của nhà trường.

 

Tập đoàn công nghệ Quảng Ích