Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là mô hình dạy học nhằm phát triển tối đa năng lực của người học, trong đó, người học tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy. Quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học trên nguyên lý: Học đi đôi với hành; Lý luận gắn với thực tiễn; Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học”. Để thực hiện tốt mục tiêu về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, cần có nhận thức đúng về bản chất của đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học và một số biện pháp đổi mới phương pháp dạy học theo hướng này.
Chuyên đề Toán do đồng chí Nguyễn Thu Hồng thực hiện
Dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về chuyên môn của nhà trường năm học 2018 – 2019. Xác định được điều đó, Ban giám hiệu đã chỉ đạo các tổ chuyên môn nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và phân công thực hiện chuyên đề. Ở mỗi chuyên đề đăng ký, các tổ chuyên môn đều lựa chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng để giao nhiệm vụ dạy minh họa, phân công hợp lí theo sở trường và thế mạnh của giáo viên nhằm đạt hiệu quả cao nhất của chuyên đề.
Chuyên đề Luyện từ và câu do đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh thực hiện
Nếu như tiết dạy của đồng chí Phạm Thúy Hoa (Học vần lớp 1) đã định hướng cho học sinh nếp học, cách trình bày một vấn đề theo chủ đề cho trước thì tiết Tập đọc của đồng chí Nguyễn Thúy (Lớp 3) lại giúp học sinh cảm nhận được tình cảm gia đình qua việc làm cụ thể hàng ngày, từ đó các em biết cách thể hiện tình cảm của bản thân với các thành viên trong gia đình mình. Các chuyên đề Toán của các khối 2 và 4 do các đồng chí Đỗ Bích Nguyệt, Nguyễn Thu Hồng thực hiện đã thể hiện rõ việc phân hóa đối tượng học sinh trong giờ học. Các em học sinh chủ động nắm bắt kiến thức, biết vận dụng kiến thức vào giải quyết một số tình huống thực tiễn. Đặc biệt, tiết Luyện từ và câu của đồng chí Nguyễn Ngọc Ánh với việc ứng dụng hiệu quả CNTT cùng với sự sáng tạo trong thiết kế đã giúp học sinh không chỉ hào hứng học tập mà còn giúp các em nắm bài nhanh, vận dụng thực hành tốt.
Các em học sinh hăng hái giơ tay phát biểu
Việc tổ chức các chuyên đề cũng là dịp bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, giúp giáo viên trực tiếp giảng dạy tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong việc vận dụng phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Bên cạnh đó, giáo viên có cơ hội học tập, trao đổi với đồng nghiệp những kinh nghiệm hay trong giảng dạy và giáo dục học sinh, giúp chất lượng dạy và học của nhà trường ngày một phát triển, tạo niềm tin trong phụ huynh và nhân dân địa phương.