Sau phần nghi lễ, các bạn học sinh của nhà trường được Thạc sĩ Nguyễn Thị Chinh - Phó trưởng khoa YTCC&ATTP Trung tâm Y tế quận Long Biên lên trò chuyện và chia sẻ về việc nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc và cách phòng chống dịch bệnh.
Cô Nguyễn Thị Chinh đang chia sẻ các kiến thức
về phòng chống dịch bệnh và VSATTP cho HS nhà trường
Thực tế hiện nay, các hàng rong được bày bán trên đường hay những chợ tự phát xuất hiện rất nhiều và thường được bán với giá rẻ với nhiều lý do, như không phải đóng thuế, mua bán với số lượng lớn hoặc không cần phải sắm sửa với những nguồn vốn cố định… Tất nhiên chi phí hạ thấp thì giá rẻ và những loại thực phẩm giá rẻ, chưa chắc chất lượng đã không tốt. Tuy nhiên, thực phẩm không rõ nguồn gốc thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc thì cơ quan chức năng không thể nào truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, dẫn đến những hậu quả lớn. Ví dụ có thể gây độc cho nhiều người, gây độc lặp đi lặp lại hoặc có thể vượt qua vòng kiểm soát của cơ quan chức năng về kiểm soát chất lượng hàng hóa. Rất nhiều những loại hóa chất trên thị trường bị cấm sử dụng hoặc cho phép sử dụng nhưng với liều lượng nhất định, hoặc cho phép sử dụng nhưng người sử dụng phải tuân theo những quy định của cơ quan quản lý Nhà nước hoặc nơi sản xuất ra loại hóa chất đó. Vì không kiểm soát được chất lượng hàng hóa ngay từ ban đầu - từ khâu nuôi trồng, vận chuyển, bảo quản, phân phối thị trường, do đó những hàng hóa này có thể tiềm ẩn nguy cơ được sử dụng những hóa chất độc hại như: hóa chất tăng trọng, hóa chất diệt cỏ, trừ sâu, chất bảo quản…
Cô Chinh còn nói rất kĩ về các triệu chứng ngộ độc khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc như: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy... Tuy nhiên những hóa chất trên thực phẩm có khi không để lại ảnh hưởng đối với hệ tiêu hóa, hoặc mờ nhạt. Khi đó sẽ gây độc trên hệ tim mạch hoặc hệ thần kinh. Sau một thời gian ngắn sử dụng thực phẩm, khoảng 10 phút đến 30 phút, người dùng sẽ cảm thấy mệt mỏi, tim đập nhanh, huyết áp hạ, thậm chí co giật, tệ hơn có người ngất xỉu, hôn mê.
Ngoài ra, cô còn hướng dẫn các bạn học sinh phải làm thế nào khi có những triệu chứng ngộ độc thực phẩm nói trên: người sử dụng ngay lập tức ngừng ăn và đi đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị, cấp cứu kịp thời. Trong trường hợp không kịp đến những nơi đó, chúng ta phải sơ cứu tạm thời bằng cách nới lỏng áo để dễ thở, đặt người cần sơ cứu ở những nơi có nhiều ô-xi, trong tư thế nằm nghiêng để tránh bị sặc. Song song với đó, phải gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Cô còn khuyên các bạn học sinh và gia đình nên mua thực phẩm ở chỗ thân quen hoặc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, chợ tập trung. Những chỗ đó thông thường thực phẩm sẽ được bảo quản trong bao bì rõ ràng, ít nhất đó là những chỗ bán cố định. Nếu có vấn đề gì, người tiêu dùng có thể báo cơ quan chức năng đến kiểm định hàng hóa.Trong trường hợp, vì tiện lợi trên đường đi hay giá cả, người tiêu dùng phải lựa chọn mua ở những nơi như chợ tự phát, hàng rong thì đặc biệt chú ý xem xét địa điểm bán có vệ sinh không, có dụng cụ bảo quản không. Ngoài ra, khi mua về, người dùng nên ngâm rửa bằng nước muối pha loãng, nước vo gạo từ 5 - 10 phút để trung hòa và khử được một lượng lớn hóa chất bám trên thực phẩm.
Cuối giờ sinh hoạt là màn biểu diễn văn nghệ của lớp 5C. Tập thể học sinh lớp 5C đã đem lại một cảm xúc khó quên cho các thầy cô và các bạn học sinh với bài hát Dòng máu lạc hồng. Các động tác nhảy linh hoạt trên nền nhạc có tiết tấu sôi động đã làm học sinh toàn trường vô cùng hứng khởi. Đội dân vũ lớp 5C với bài nhảy À Lôi đã thu hút tất cả học sinh toàn trường chăm chú xem và cổ vũ rất nhiệt tình cho tiết mục.
Từng tia nắng đầu tiên lấp ló sau những rặng cây xanh mát như chào đón một tuần làm việc và học tập đầy vui vẻ, hiệu quả của thầy và trò trường Tiểu học Ái Mộ A.