1. Anh Kim Đồng
Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền sinh năm 1928 , người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Hà Quảng (nay là xã Trường Hà), huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Anh là một thiếu niên người dân tộc Tày.
Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941).
Trong buổi thành lập Đội, Kim Đồng được bầu làm tổ trưởng.
Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.
Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.
Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng.
Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin.
Hôm ấy là ngày 11 tháng giêng Âm lịch năm 1943, Anh vừa tròn 14 tuổi.
Ngày nay, mộ của Kim Đồng đã được đội viên cả nước góp phần xây dựng tại nơi anh ngã xuống. Ngày 15-5-1986, nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đội, mộ của Anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành. Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.
Sự hy sinh của anh Kim Đồng thật dũng cảm, thể hiện khí phách của người cộng sản. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta có biết bao anh hùng nhỏ tuổi đã hy sinh anh dũng như vậy. Thật khâm phục và tự hào về các anh.
2. Anh La Văn Cầu
La Văn Cầu sinh năm 1932, dân tộc Tày, quê xã Phong Nậm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình vốn có mối thù sâu sắc với đế quốc, phong kiến. Khi còn bé, anh chứng kiến cái chết uất ức của cha, hậu quả của những trận đòn tra tấn đánh đập dã man, kiệt sức rồi qua đời. Cuộc đời lam lũ cực khổ như đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của anh từ thuở thiếu thời.
Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, được nhiều cán bộ tuyên truyền giác ngộ, anh càng hiểu rõ nguồn gốc sự cực khổ của người nghèo và người dân mất nước, nên hăng hái tham gia vào công cuộc kháng chiến ở quê hương. Với khát khao được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước, La Văn Cầu mới 16 tuổi đã khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội. Lúc đó là năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng niềm vui và ý chí đã giúp anh vượt qua khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, nên được anh em đồng đội rất quí mến. Anh đã tham gia chiến đấu 29 trận trong các cương vị chiến sĩ và chỉ huy.
Trong trận phục kích ở đèo Bông Lau năm 1949, anh xung phong vào tổ xung kích đột phá trận đánh. Khi nổ súng, có lệnh xung phong, anh dũng cảm xông lên, phát hiện một tên Pháp ngồi trên xe tăng anh đã bắn hạ, rồi lao lên xe cướp súng. Ngoảnh lại sau, thấy 3 tên Pháp chạy tới, anh liền dùng khẩu súng vừa cướp được, bắn chết cả 3 tên, quyết không để bọn giặc chạy thoát, anh nhảy xuống xe, tiếp tục truy lùng diệt thêm 6 tên nữa.
Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, quân ta đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất, anh bị đau chân vẫn kiên quyết xin đi chiến đấu. Trận đánh gặp khó khăn, đơn vị bạn bị thương vong nhiều, anh động viên anh em trong tiểu đội (hầu hết là tân binh), băng bó và cõng hết thương binh về nơi an toàn. Trên đường rút về căn cứ, địch nhảy dù phản kích, mặc dù chân đau và đuối sức, anh vẫn vác khẩu pháo 12 ly 7 thu được của địch, về tới đơn vị.
Trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai (1950), La Văn Cầu được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu (cửa mở trận đánh). Phá được hai hàng rào thì hai đồng chí xung kích bị thương. Địch tập trung hỏa lực dữ dội và cửa mở, phá hủy mất của ta một số bộc phá ống. anh nghĩ ngay phải dành bộc phá đánh lô cốt, nên động viên anh em trong tổ gỡ mìn của địch và dũng cảm xông lên dùng mìn phá nốt hai hàng rào cuối cùng. Song tình huống diễn ra càng phức tạp hơn, khi tiến đánh lô cốt thì anh em đã bị thương tất cả, chỉ còn lại một mình anh. Không ngần ngại, anh ôm bộc phá xông tới lô cốt đầu cầu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ “đột phá khẩu” của tổ. Nhưng khi vượt rào đến được giao thông hào thứ ba thì anh bị thương, ngất đi. Tỉnh dậy, thấy cánh tay phải của mình bị địch bắn gãy nát, nghĩ đến trọng trách chưa hoàn thành, anh quay trở lại khẩn thiết yêu cầu đồng đội chặt đứt cánh tay cho khỏi vướng víu, rồi tiếp tục xông lên đánh tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong diệt gọn đồn địch, kết thúc thắng lợi trận Đông Khê.
Tấm gương của La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn đại đoàn và trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta mở ra từ chiến dịch Biên Giới năm 1950.
La Văn Cầu được tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tá La Văn Cầu đã nghỉ hưu, trở về với đời thường, nhưng phẩm chất của người anh hùng mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam.
3. Anh Hoàng Văn Thụ
Hoàng Văn Thụ sinh ngày 04/11/1909 trong một gia đình dân tộc Tày ở xã Nhân Lý, Huyện Văn Uyên ( nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng) tỉnh Lạng Sơn trong một gia đình dân tộc Tày ở xã Nhân Lý. Huyện Văn Uyên ( nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng) tỉnh Lạng Sơn.
Anh là người con thứ ba trong gia đình có 4 người con. Lúc còn nhỏ có tên là Hoàng Hảo Do, lớn lên đi học lấy tên là Hoàng Văn Thụ
Anh là một học sinh thông minh, chăm chỉ, quý trọng thầy giáo và giúp đỡ bạn bè nên luôn được mọi người quý mến. Năm 1923, anh học tại trường Tiểu học Pháp – Việt, Lạng sơn cùng với hai người bạn thân là Hoàng Đình Giong và Lương Văn Chi mà sau này cùng sáng lập nhóm thanh niên yêu nước đầu tiên ở Lạng sơn. Năm 1928, anh được kết nạp vào Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929 anh sang Trung Quốc làm việc ở xưởng cơ khí Nam Hưng ( Quảng Tây) và tham gia tổ chức chi bộ Đông dương Cộng sản Đảng, sau này phát triển thành Tỉnh ủy lâm thời Cao bằng-Lạng sơn. Từ năm 1930, anh trở về nước hoạt động, đào tạo cán bộ, xây dựng phong trào quần chúng cách mạng khu vực Lạng sơn-Cao bằng. Tại Hội nghị Trung ương mở rộng ngày 08/9/1939, anh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Phong trào cách mạng lan rộng. Thực dân Pháp và tay sai điên cuồng khủng bố, đàn áp dã man. Tháng 11/1940, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7, anh được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 12/1940, anh được cử đi gặp lãnh tụ Nguyễn Aí Quốc và chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương lần thứ 8 vào tháng 5/1941. Tại hội nghị này anh tiếp tục được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác mặt trận và binh vận của Đảng.
Ngày 25/8/1943, Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp vây bắt tại ngõ Năm Diệm, khu Tám mái, Hà nội. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn đối với đồng chí từ mua chuộc, dụ dỗ đến tra tấn bằng những cực hình tàn khốc song anh vẫn đứng vững trên tư thế của một người chiến thắng không hề khuất phục. Ngày 27/12/1943, thực dân Pháp đã mở phiên tòa đại hình tại Hà nội tuyên án tử hình đối với anh. Trước kẻ thù, Hoàng Văn Thụ đã tuyên bố những lời đanh thép “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông - những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng chúng tôi sẽ thắng”.
Ngày 24/5/1944, kẻ thù đã sát hại Hoàng Văn Thụ tại trường bắn Tương Mai, Hà nội. Trước lúc hy sinh, anh còn hô vang những lời bất tử:“Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông dương muôn năm”.
Hiện nay, Hoàng Văn Thụ đang yên nghỉ tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà nội nhưng tại Tương Mai, nơi anh hy sinh vẫn có một nấm mộ và tượng đài của người trong tư thế hiên ngang trước quân thù, hy sinh oanh liệt vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
(còn tiếp)