Việt Nam là một trong những quốc gia bị nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai. Tác động của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai là rất nghiêm trọng và không thể lường hết được. Nhiệt độ tăng, hạn hán cục bộ ở các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Bão, lũ gây ngập úng nhiều làng mạc ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, mực nước biển dâng gây nhiễm mặn, triều cường thường xuyên từ 5 đến 7 ngày ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ. Lũ quét, lũ ống gây sạt lở đất vùi lấp nhiều nhà cửa, đường xá, cầu cống, trường học ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai, lụt, bão diễn biến hết sức phức tạp, bất thường với quy mô và hậu quả ngày càng nặng nề hơn, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, phá hủy, làm thiệt hại nhiều tài sản; đẩy cuộc sống của nhân dân vùng bão, lũ, thiên tai vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Với những hiểm họa của môi trường do biến đổi khí hậu gây nên, việc tích hợp kỹ năng
phòng chống thiên tai vào trong những hoạt động dạy học đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt là trẻ đang độ tuổi đi học, phải hình thành những phương thức, thói quen để đối phó với thiên tai. Trong các trường học, học sinh phải được dạy những kỹ năng để phòng chống lũ lụt, sạt lở đất…
Những bài học thiết thực này được hình thành và luyện tập ngay từ nhỏ và dần dần sẽ trở thành những kỹ năng quen thuộc với tất cả mọi người trong việc ứng phó với thiên tai.
Trong chương trình học của các bạn học sinh trường Tiểu học Ái Mộ A, các thầy cô giáo đã luôn khéo léo lồng ghép những hướng dẫn cách nhận biết và ứng phó với những thảm họa thiên nhiên như thế nào để giảm thiểu thiệt hại về con người và vật chất. Chẳng hạn như
phòng chống đuối nước cho trẻ ở những vùng thường xuyên có lũ lụt hay nhiều hồ ao sông suối ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cách ứng phó với sạt lở đồi núi ở vùng cao nguyên hay miền Trung. Với bộ môn
giáo dục thể chất trong nhà trường không chỉ đơn thuần là giảng dạy các động tác, bài tập liên quan đến từng phân môn thể thao mà còn chú trọng đến vấn đề bảo vệ sức khỏe và kỹ năng phòng chống thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt trong các giờ học Kỹ năng sống, sau khi học sinh được học lý thuyết cơ bản là thời gian để học sinh thực hành rèn luyện những động tác, phản xạ, ứng phó thiên tai - những
kỹ năng sống còn trong cuộc sống. Qua các tiết học hấp dẫn, các bạn học sinh đã cơ bản nắm được kỹ năng ứng phó với lũ lụt, học sinh biết phải làm gì trước, trong và sau khi lũ lụt xảy ra, kỹ năng chống đuối nước, kỹ năng sơ cứu, và quan trọng là có kiến thức để nhận và ứng phó phù hợp trước các hiện tượng thiên tai bất thường. Cụ thể, học sinh biết chuẩn bị hộp sơ cứu y tế, số điện thoại khẩn cấp, biết sơ tán theo sự hướng dẫn của người lớn, sử dụng phao cứu sinh, cũng như yêu cầu hỗ trợ khi khẩn cấp…
Ngoài việc học các kĩ năng cơ bản, các bạn học sinh còn được giáo dục tình yêu thương và chia sẻ với nỗi đau của con người qua những minh họa đời thường có tính
thời sự như những hình ảnh bão lũ miền Trung và thường xuyên phát động những đợt quyên góp đầy ý nghĩa để phần nào động viên, an ủi những người dân ở đồng bào lũ lụt miền Trung. Các đợt quyên góp luôn được các phụ huynh và các con học sinh ủng hộ nhiệt tình với tinh thần “Tương thân tương ái” của dân tộc.
Các hoạt động giáo dục thường xuyên của các thầy cô với mong muốn các em học sinh sẽ là các nhân tố tích cực của sự thay đổi và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các bạn, phụ huynh và cộng đồng nơi các em sinh sống theo những cách thức hiệu quả để cả xã hội cùng nhau phòng chống thiên tai, giảm thiểu những tác hại do thiên tai đem lại để mỗi chúng ta luôn có một mùa hè thật an toàn và bổ ích!