Nhìn nhận điều này, cô giáo
Phan Tuyết nêu quan điểm của mình về cách thương con của một bộ phận phụ huynh
hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả.
Nhiều đứa trẻ học hành giỏi giang, nói chuyện trên sách vở thì vô cùng thông
thái nhưng lại thiếu những kĩ năng sống đơn giản nhất.
Đây chính là hệ quả của việc cha mẹ luôn làm thay con mọi việc khiến cho đứa
trẻ không còn cơ hội thể hiện mình, trẻ không có cả không gian để rèn luyện.
Lâu dần các em sống ỷ lại và trở nên vô cảm với chính người thân của mình.
Làm hết mọi việc nhà
Với suy nghĩ dành thời gian cho con học tập vì thế cha mẹ luôn làm thay con mọi
việc. Có em từ nhỏ đến lớn không phải đụng tay đụng chân đến việc gì dù là nhỏ
nhất.
Suốt ngày đi học, học chán xem phim, rồi ngủ và lên mạng chát chít. Mặc cho cha
mẹ đi làm về lại tất bật với bao công việc nhà. Lúc đầu một số em cũng muốn phụ
cha mẹ một số công việc vặt nhưng lại bị từ chối: “Con chỉ
lo học sao cho giỏi, ba cái việc lặt vặt ấy, mẹ chỉ làm nháy mắt là xong”.
Nhiều hôm vì công việc đột xuất, cha mẹ chưa về kịp, nhiều em cũng nằm đợi chứ
đâu biết vào bếp nấu ăn vì bản thân cũng không biết vo gạo thế nào, đổ nước bao
nhiêu cho vừa chứ nói gì đến đi chợ mua đồ ăn về nấu nướng.
Do vậy, dù bận rộn việc gì, anh chị Hòa người hàng xóm của tôi cũng phải dẹp
lại để về nấu ăn cho cô con gái học lớp 12 kẻo “nó lại nhịn đói hoặc ăn mì tôm
sống lại tội”.
Làm cả bài tập giúp con
Nhiều phụ huynh vì muốn cho con đạt được thành tích tốt trong học tập nên đã
thay con làm những sản phẩm thầy cô giao về nhà. Đôi khi học trên trường không
kịp, các em được giao về nhà hoàn thành những sản phẩm như gấp thuyền, cắt bông
hoa, gấp con ếch, cắt chữ…nhiều cha mẹ đã về làm thay con cho đẹp.
Trẻ nói truyện trên sách vở thì rất thông thái nhưng lại thiếu những kĩ năng sống đơn giản nhất (Ảnh minh họa)
Đến những bài tập làm văn ở tiểu học, có
phụ huynh cũng tự làm cho con học thuộc mà không biết cần phải giảng giải giúp
con hiểu yêu cầu của đề hay hướng dẫn các em phân tích đề và lập dàn ý sơ lược
rồi chi tiết sau mới hoàn thiện bài văn.
Với những cuốn tập luyện viết chữ đẹp cũng có phụ huynh sẵn sàng viết giúp con
cho nhanh hoàn thành.Con lớn lên chút, phụ huynh hướng dẫn các em mua sách giải
về tham khảo nhưng lại cho con xem thường xuyên, có em chẳng cần suy nghĩ cách
làm mở ra và chép vào bài của mình luôn.
Vô cảm với người thân
Lâu dần thành quen, được nuông chiều, nhiều em mặc định luôn đó là công việc
của cha mẹ, đến thay quần áo bẩn cũng bỏ luôn trong phòng, ăn xong lên phòng
nằm chơi mà không cần biết ai là người đang dọn dẹp.
Việc làm thì vụng về, giao tiếp càng tệ hơn. Những lần gia đình có khách ở quê
ra đôi khi là cô, dì, chú, bác ruột hoặc ông, bà nội, ngoại nhưng nhiều em vẫn
lạnh lùng như người dưng không quen biết.
Khách
đến vào lúc cha mẹ các em ở nhà còn đỡ, có em miễn cưỡng chào hỏi đôi ba câu
chiếu lệ rồi lên phòng đóng cửa ở lì cả buổi.
Khi bị cha mẹ nói, thường nhận được câu trả
lời: “Con có biết chuyện gì đâu mà nói”.
Yêu thương con cái không có nghĩa dành làm hết mọi công việc của con. Hãy dành
thời gian dạy con những việc làm đơn giản, phù hợp nhất.
Dạy
cho con biết về cội nguồn, về quê hương chòm xóm để khơi gợi lên lòng kính yêu,
sự trân trọng và tình yêu thương đối với mọi người. Từ đó, các con sẽ có cách
ứng xử đẹp hơn trong cuộc sống.
Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thuong-con-nhu-the-bang-muoi-hai-con-post161481.gd