Thực hiện kế hoạch số 56- KH/QU ngày 10/10/2016 của quận ủy Long Biên về việc khảo sát công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương trong các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn quận Long Biên, với mục đính nhằm đánh giá khách quan, toàn diện hiệu quả việc triển khai, tổ chức thực hiện giảng dạy lịch sử cách mạng địa phương tại các trường học trên địa bàn quận.
Tham gia đoàn khảo sát có đồng chí Nguyễn Thế Thạch quận ủy viên - Trưởng ban tuyên giáo quận ủy, đồng chí Lưu Đắc Dũng phó trưởng ban. Đại diện Phòng GD& ĐT quận Long Biên có đồng chí Nguyễn Văn Sẵn chủ tịch công đoàn ngành. Về phía Đảng ủy phường có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn bí thư đảng ủy, đồng chí Trần Đại Khánh phụ trách công tác tuyên giáo của Đảng ủy phường Ngọc Lâm.
Sau khi đồng chí Nguyễn Thế Thạch - trưởng đoàn định hướng các nội dung khảo sát, cô giáo Nguyễn Thị Bích Huyền bí thư chi bộ - hiệu trưởng nhà trường đã báo cáo với đoàn về việc thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử địa phương của thầy và trò nhà trường. Cô đã khẳng định: Chi ủy , BGH, CB-GV- CVN nhà trường luôn xác định: Giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng trong đó giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho các em học sinh nhà trường luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Theo tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2020", góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... có bản lĩnh trong hội nhập quốc tế, có sức khỏe, có tri thức, kỹ năng lao động, trở thành công dân tốt, tích cực tham gia vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống chính là thực hiện chiến lược xây dựng con người mới với những phẩm chất mới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.
Với những nhận thức đúng đắn trên, Chi bộ, Ban giám hiệu , các thầy cô giáo của nhà trường đã và đang làm tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng địa phương với những việc làm cụ thể như:
- Chi bộ đã ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện công tác giảng dạy lịch sử địa phương thông qua các cuộc họp Ban chi ủy, chi bộ và nghị quyết Hội đồng nhà trường hàng tháng một cách cụ thể, rõ ràng.
- Ban chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra giám sát giao cho các tổ chuyên môn, tổ trưởng kí duyệt giáo án hàng tuần, hàng tháng giáo viên dạy trước khi lên lớp. Trong các tiết dạy, GV chủ động lòng ghép nội dung giáo dục LS địa phương.
- Nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn mua sắm tài liệu giảng dạy lịch sử địa phương ngoài những tài liệu được cấp phát từ trên lưu vào thư viện làm tài liệu tham khảo cho giáo viên
- Nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn: xây dựng các chuyên đề về lịch sử địa phương về nội dung và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với HS nhà trường.
- BGH nhà trường thường xuyên liên hệ với PGD trong công tác chỉ đạo hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng trong công tác giảng dạy lịch sử địa phương.
- BGH nhà trường cùng với tổ chuyên môn thường xuyên dự giờ góp ý rút kinh nghiệm đối với các giờ dạy lịch sử địa phương của giáo viên.
- Ban chi ủy, chi bộ, BGH tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính tư tưởng lãnh đạo công tác giảng dạy lịch sử địa phương của nhà trường trong cuối các kì học, năm học.
- Chi ủy, BGH đã chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng chương trình giảng dạy LSĐP ở các khối lớp, nội dung giảng dạy do tổ chuyên môn xây dựng dựa trên tài liệu do Đảng ủy phường Ngọc Lâm cung cấp và thực hiện giảng dạy lồng ghép trong chương trình HĐNGCK với các bài dạy như:
Khối 1: Giới thiệu một số hình ảnh về phường Ngọc Lâm
Khối 2: Nhà máy xe lửa Gia Lâm
Khối 3: Phường Ngọc Lâm – vùng đất – con người – truyền thống
Khối 4: Cách mạng mùa thu với nhân dân phường Ngọc Lâm
Khối 5:
* Bài 1: Lịch sử truyền thống cách mạng Đảng bộ và nhân dân phường Ngọc Lâm (giai đoạn 1930- 1945)
* Bài 2: Lịch sử truyền thống cách mạng Đảng bộ và nhân dân phường Ngọc Lâm (giai đoạn 1945 – 2016)
Bên cạnh đó, nhà trường đã tổ chức cho học sinh đi thăm quan các địa danh lịch sử trên địa bàn quận Long Biên như đình Thanh Am, cụm di tích đình chùa Bắc Biên. Sau mỗi chuyến đi, các em học sinh nhà trường còn thực hiện các bài thu hoạch về những kiến thức thu được.
Đoàn khảo sát thực sự bất ngờ khi xem các clip do các cô giáo của nhà trường quay để giới thiệu về các di tích lịch sử trên địa bàn quận Long Biên cho các em học sinh để nội dung các bài dạy gần gũi hơn, dễ hiểu hơn khi giảng dạy cho học sinh những nội dung này. Với sự tâm huyết của các thầy cô, những nội dung bài dạy lịch sử khô khan đã trở nên sinh động, gần gũi, dễ hiểu và đầy hứng thú. Chắc chắn sau mỗi giờ học, học sinh sẽ thêm yêu quê hương, tự hào về truyền thống lịch sử quê hương Long Biên xưa và nay. Các em học sinh sẽ ngày càng yêu gia đình, quê hương, đất nước, có ý thức trách nhiệm trong tương lai của bản thân.
Kết thúc buổi khảo sát, đồng chí Nguyễn Thế Thạch đã khẳng định: Chi bộ, Ban giám hiệu và các thầy cô giáo nhà trường đã có nhận thức đúng đắn về công tác giáo dục lịch sử địa phương. Trong điều kiện tài liệu, tư liệu giảng dạy còn ít, chưa có định hướng cụ thể, Nhà trường và các thầy cô đã đầu tư thời gian, kinh phí tự xây dựng các tài liệu giảng dạy rất phong phú. Đồng chí cũng đã chỉ đạo trong thời gian tới nhà trường tiếp tục duy trì các nội dung và thực hiện theo kế hoạch đã xây dựng. Sau đợt khảo sát, chắc chắn Quận ủy Long Biên sẽ có kế hoạch chỉ đạo các phòng ban chuyên môn để công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng địa phương trong các trường Tiểu học, THCS ngày càng thiết thực, hiệu quả.