Tiếp tục thực hiện theo kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và cho học sinh tham quan tìm hiểu cụm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn quận năm học 2018 – 2019, đúng 8 giờ ngày 11/10/2018, Trường Tiểu học Ái Mộ A đã tổ chức chuyến tham quan khu di tích lịch sử cho toàn thể 170 bạn học sinh khối lớp 3. Địa điểm tham quan là đền Trấn Vũ phường Thạch Bàn và đình Thổ Khối phường Cự Khối, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Điểm dừng chân đầu tiên sau những giây phút háo hức mong chờ của các em là đền Trấn Vũ. Trấn Vũ có tên chữ là “ Trấn Vũ quán” hay “ Hiển linh Trấn Vũ quán”. Đền nằm ngay sát phía trong đê sông Hồng thuộc xóm Đìa, thôn Ngọc Trì, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 5, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
Các em học sinh thăm quan đền Trấn Vũ - nay thuộc tổ 5 phường Thạch Bàn - Long Biên
Điểm đặc biệt đầu tiên của đền Trấn Vũ là đền được xây dựng trên thế đất Quy Xà hội tụ và nhìn về hướng Bắc. Sự tích về Huyền Thiên Trấn Vũ có nhiều dị bản khác nhau, trong đó, sự tích được ghi tại Đền Trấn Vũ, Thạch Bàn trên bia đá có nội dung tóm tắt như sau: Trải qua 4 lần giáng sinh và tu hành tại các nước khác nhau, Ngài đã đắc đạo và có công lớn trong việc diệt trừ yêu quái, giúp trời yên biển lặng, dân cư yên ổn, vạn vật sinh sôi. Ngài còn phù hộ việc phá giặc phương Bắc xâm lược, giúp nước, đỡ dân, công đức to lớn vô cùng. Từ thời Thục Phán An Dương Vương đến nay, các triều đại đều sắc phong cho ngài là Thượng đẳng thần, cấp đất đai, hương hỏa để phụng thờ.
Điều đặc biệt thứ hai mà tất cả các bạn học sinh đều trầm trồ, thán phục ở đây là pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất hiện còn. Cùng với tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh- Ba Đình, tượng Trấn Vũ ở Thạch Bàn là biểu hiện rực rỡ của nghệ thuật tạo tượng lớn và kỹ thuật siêu việt trong nghề đúc đồng cổ truyền. Đây là pho tượng đúc liền khối bằng đồng thau, mặt ngoài có sơn thếp. Tượng cao 3,8m; chu vi 8m; nặng 4 tấn. Tượng ở tư thế ngồi chân buông bệ, lưng thẳng, 2 đùi để hơi doãng, đầu đề trần, mặc áo Long bào đen có đai và 2 bàn chân không giầy, tay để trước ngực, xòe ngón trỏ trong tư thế ấn quyết, gươm Thất Tinh trong tay phải, mũi gươm chống trên lưng Rùa, mắt nhìn thẳng đầy nhãn lực.
Pho tượng đức Huyền Thiên Trấn Vũ
Đây là một trong hai pho tượng cổ bằng đồng lớn nhất
Điểm đặc biệt nữa mà không phải bạn nào cũng biết là khi đến thăm đền Trấn Vũ, ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co luồn dây qua lỗ cột. Đây là trò chơi hiếm thấy ở nơi khác. Nghi lễ “kéo co ngồi” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, và được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại cùng với Campuchia, Hàn Quốc, Philippines.
Tại đền Trấn Vũ, hàng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch được tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh của Ngài, ngày 9 tháng 9 âm lịch là ngày hóa của Ngài. Đền Trấn Vũ đã được nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đền vẫn được bảo tồn, tôn tạo và luôn là điểm sáng về tâm linh của cộng đồng dân cư quanh vùng và của du khách thập phương.
Chặng tiếp theo của hành trình là Đình Thổ Khối của phường Cự Khối. Đình Thổ Khối có từ trước năm 1730 . Đình thờ 6 vị thành hoàng làng gồm: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng.
Học sinh tìm hiểu lịch sử về Đình Đình Thổ Khối - Phường Cự Khối
Học sinh không khỏi ngỡ ngàng khi tới nơi đây. Bởi lẽ, khuôn viên của đình rộng lớn và có nhiều cây lưu niên. Mặt đình nhìn ra sông Hồng hướng Tây qua một hồ bán nguyệt, xưa kia hồ cung cấp nước cho cả làng. Đình là cả một kiến trúc đồ sộ gồm các dãy nhà nằm song song và nối với nhau bằng ống muống. Tòa tiền tế rộng 7 gian, xây 2 tầng. Tòa đại đình, sân đình rộng co lối cho ô tô đi vào. Trang trí trên kiến trúc và di vật ở trong đình rất phong phú, đặc biệt tại hậu cung còn giữ được 67 đạo sắc phong của các triều đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn. Đình Thổ khối được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1990.
Cô trò trường Tiểu học Ái Mộ A thắp nén nhang thơm bày tỏ lòng thành kính mà chúng tôi không khỏi bùi ngùi xúc động trước khối di tích văn hóa tinh thần đồ sộ mà ông cha ta đã để lại. Chắc chắn cô trò chúng tôi sẽ là những người tiếp nối giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo và phát guy vốn văn hóa truyền thống của quê hương Long Biên.
Chuyến đi thực địa vô cùng nghĩa với các bạn học sinh lớp 3 của nhà trường. Những kiến thức các bạn thu nhận được qua chuyến đi hôm nay sẽ được thể hiện qua bài thu hoạch cá nhân. Nhưng những bài học trải niệm vẫn còn đọng mãi trong ký ức các bạn nhỏ. Chắc chắn tình yêu quê hương đất nước sẽ được vun đắp trong tâm hồn các bạn học sinh Ái Mộ A bắt đầu từ những chuyến đi như thế.