Suốt những năm tháng cắp sách đến trường và cho đến tận bây giờ khi đã trưởng thành, hình ảnh cô giáo thân yêu của tôi trong những năm đầu tiên luôn in đậm trong trí nhớ và trái tim tôi, mỗi khi tiếng trống tựu trường vang lên thì hình ảnh của cô giáo và những kỷ niệm lại ùa về trong tâm trí tôi như những thước phim quay chậm.
Ngày đó, trường của tôi nằm giữa giáp gianh giữa bốn làng của một xã nghèo ngoại thành Hà Nội (làng Trường Lâm, làng Kim Quan, làng Lệ Mật, làng Ô Cách của xã Việt Hưng nay là Phường Việt Hưng – quận Long Biên ). Trường không đủ phòng học nên bọn trò nhỏ lớp vỡ lòng chúng tôi được học nhờ trong Đình làng. Hồi đó, hình như tất cả lũ trẻ lớp vỡ lòng đều được học ở Đình mỗi làng thì phải. Tôi học trong đình làng Trường Lâm, ngôi đình cổ kính đã từng có lần được đón Bác Hồ về thăm. Đầu Đình là một cây đa già cổ kính, cành lá xum xuê. Trong mắt lũ trẻ trâu chúng tôi lúc bấy giờ, cây đa già đó là một cái gì đó thiêng liêng, huyền bí và đầy sức hút.
Cô giáo của tôi – cô Nguyễn Thị Lanh- có dáng người nho nhỏ, khuôn mặt khắc khổ nhưng vẫn toát lên vẻ hiền dịu, thân thương. Nhà cô cũng ở trong làng Trường Lâm và cách Đình không xa nên tôi vẫn hay thường thấy cô ôm chiếc cặp đi bộ đến lớp học. Vì cô học cùng với mẹ của tôi, nên khi tôi được học lớp do cô chủ nhiệm tôi cũng được cô ưu ái hơn so với những bạn cùng trang lứa.
Thời đó, chúng tôi đi học không được đầy đủ như bây giờ, mọi thứ đều thiếu thốn sách vở cũng không có đủ, sách giáo khoa thì được nhà trường cho mượn chứ không mua cả bộ như bây giờ, vì qua quá nhiều tay các anh chị học trước, nên những bộ sách giáo khoa đến được tay chúng tôi không còn được nguyên vẹn và đầy đủ, hầu như cuốn sách nào cũng thiếu. Cho nên cứ mỗi lần nhận sách về cô giáo tôi lại cẩn thận lựa chọn những cuốn còn tương đối đầy đủ để phát cho học sinh, thậm chí nếu bạn này được cuốn tập đọc đầy đủ thì phải nhận quyển đạo đức thiếu một chút, cô nói chia như vậy thì mới công bằng để em nào cũng được như nhau cả. Sự công bằng đã được cô dạy cho chúng tôi ngay từ những ngày đầu tiên đi học là vậy đấy.
Lũ chúng tôi khi đi học đều như nhau, không ai biết cầm bút, biết đọc hay biết viết gì cả, chỉ đến đấy chúng tôi mới được cô hướng dẫn nhận nhận biết mặt chữ, biết cầm bút và biết đánh vần ê a.
Tập viết có lẽ là một cực hình đối với chúng tôi và cả cô giáo, cây bút chì hình như luôn luôn muốn chống lại, chúng không bao giờ chịu nghe theo lời của cô giáo và chúng tôi cả, những chữ cái đầu tiên chúng tôi viết đều nguyệch ngoạc, xiên xẹo, không thẳng hàng. Nhìn vào cuốn vở tập viết của chúng tôi không khác nào một bãi đất vừa bị con gà bới xong. Không quản ngại vất vả, cô giáo tôi đến từng bàn, ngồi cạnh từng bạn để cầm bút uốn nắn chúng tôi tập viết. Những giọt mồ hôi thì lấm tấm trên khuôn mặt của cô giáo tôi.
Bao giờ đến lớp Đình tôi cũng đã thấy cô giáo tôi đã có mặt ở đó, trên bàn của cô giáo của tôi là một hộp bút chì to tướng, những chiếc bút chì ngắn dài được cô giáo tôi thu gom lại và gọt sẵn để đến giờ tập viết, bạn nào không có hoặc không mang theo là cô giáo tôi lại mang đến.
Ngày đầu đến lớp Đình cái gì cũng ngỡ ngàng đối với chúng tôi, bạn mới, trường mới và thầy cô mới, nhưng bằng tình cảm yêu thương học trò của mình, cô giáo Lanh của tôi đã gắn kết chúng tôi thành một tập thể biết thương yêu, đoàn kết và đùm bọc nhau, giúp nhau cùng học tập. Những nét chữ ban đầu còn cong queo, sau một thời gian được cô uốn nắn đã lên hình hài đẹp đẽ, thẳng hàng. Những con chữ được chúng tôi đọc to rõ ràng không còn ê a như trước nữa. Chúng tôi đã lớn dần lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc tận tuỵ của cô giáo Lanh.
Thời gian đã qua lâu rồi, tất cả chúng tôi học cùng với nhau lúc đó giờ đây đã trưởng thành và đã có gia đình, có con cái, những cứ mỗi khi đến ngày tựu trường, ngày tổ chức Lễ khai giảng cho một năm học mới, ngày chào đón các em học sinh lớp 1 trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc nao nao khó tả. Nhìn thấy các em em học sinh hôm nay đến trường lại nhớ đến thế hệ học sinh chúng tôi ngày xưa. Nhìn thấy các cô giáo, các bạn đồng nghiệp của tôi ngày hôm nay cũng đang vì sự nghiệp trồng người mà tôi lại nhớ đến cô giáo Lanh của tôi và các thế hệ các thầy cô giáo xưa kia đã truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho sự nghiệp giáo dục ngày nay.
Đất nước đã sang một trang mới, sự nghiệp giáo dục cũng đã sang một trang mới nhưng hình ảnh của cô giáo tôi vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Chúng tôi biết ơn cô đã cho chúng tôi những đôi cánh để bay vào cuộc sống ngày hôm nay. Cá nhân tôi biết ơn cô vì cô đã truyền lửa cho tôi để tôi có tình yêu đối với con trẻ, để tôi chọn lựa đi theo con đường nghề giáo giống như cô.